Tờ Moscow Times dẫn báo cáo của Walk Free Foundation công bố con số trên.
Giờ Zhenya đã được an toàn, nhưng hàng ngàn nô lệ tình dục khác ở Nga vẫn đang hy vọng một người tốt bụng tới và cứu họ, bởi theo các nhà hoạt động chống buôn người, chính quyền và xã hội đang bận nhìn theo hướng khác.
Theo Moscow Times, dù Nga nổi tiếng vì lực lượng gái bán dâm giá rẻ, hoạt động nhập khẩu gái mại dâm đã vượt xuất khẩu thời gian qua nhờ nền kinh tế ổn định hơn đã thúc đẩy nhu cầu mua dâm trong nước.
Một báo cáo mới được công bố gần đây của Walk Free Foundation cho biết Nga hiện giờ là điểm đi, đến và trung chuyển các nô lệ tình dục, một phần trong lực lượng nô lệ đông tới 1 triệu người đang tồn tại ở Nga. Tuy nhiên cả chính phủ lẫn cơ quan lập pháp đều phớt lờ vấn đề vì sợ gây hại tới danh tiếng của Nga, nhà hoạt động Boris Panteleyev nhận định.
Kết quả là các nô lệ tình dục ở Nga gặp vô vàn khó khăn ngay cả khi đã được tự do, và phải dựa vào các tổ chức phi chính phủ, sự rộng lượng của cảnh sát do thiếu các chương trình tái hòa nhập và bảo vệ dành cho họ.
"Luật hình sự của Nga vẫn chưa đầy đủ và luật hiện hành không nói gì về việc giúp đỡ các nạn nhân cả" - bà Yelena Timofeyeva thuộc tổ chức từ thiện SafeHouse nói.
Một triệu "nô lệ"
Nga hiện là quốc gia có lượng nô lệ đông thứ 6 thế giới, tới 1 triệu người, theo thống kê của Walk Free Foundation. Báo cáo không phân biệt các dạng cưỡng bức lao động, nhưng cho biết rằng ngành công nghiệp tình dục nằm trong nhóm chính thường sử dụng các nô lệ Nga.
Báo cáo đưa ra con số 35 triệu nô lệ hiện đang sống ở 167 quốc gia trên thế giới. Ấn Độ là nước đứng đầu danh sách với 14 triệu nô lệ, trong khi Mauritania có tỉ lệ nô lệ trên quy mô dân số cao nhất (4%).
Bà Timofeyeva nói rằng ngay cả những người được giáo dục tốt, nhận thức tốt cũng có thể trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người. "99% những người chúng tôi làm việc đều nói họ không ngờ chuyện sẽ xảy tới với mình - bà cho biết - Nhiều người mới ra trường thường kỳ vọng sẽ có việc làm với thu nhập cao. Điều này khiến họ dễ thành các nạn nhân".
Nhưng người nghèo là nhóm chịu rủi ro lớn nhất, và 1/3 nữ giới lớn lên trong các trại trẻ mồ côi ở Nga làm lao động tình dục chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi bắt đầu cuộc sống tự lập.
Nạn nhân thường bị lừa đưa vào ổ quỷ, sau khi được hứa hẹn về việc làm với thu nhập tốt. Tại các ổ chứa, nạn nhân thường bị đánh đập, lạm dụng và buộc phải làm công việc họ không mong muốn.
Cung và cầu
Hoạt động buôn người đem lại lợi nhuận chỉ đứng sau buôn bán ma túy. Có ít số liệu thống kê, nhưng dữ liệu mà tờ Moscow Times thu được từ Bộ Nội vụ Nga cho thấy có hơn 900 vụ buôn người, lạm dụng và liên quan tới hoạt động mua bán dâm chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013.
Các chuyên gia tội phạm học ước tính chỉ có 1/9 các vụ phạm tội kiểu này được đưa ra ánh sáng. Theo đó, ít nhất 8.000 người hiện đang là nô lệ tình dục ở Nga. Con số có thể còn lớn hơn do mỗi vụ thường có nhiều hơn 1 nạn nhân.
Giới chuyên gia cho biết Ukraine, Moldova và một số nước vùng Baltic là những nơi cung cấp nô lệ tình dục cho Nga. Tuy nhiên, một xu hướng mới xuất hiện là các nhóm dân tộc sống ở Nga cũng "nhập khẩu" phụ nữ từ quê nhà gồm Trung Quốc, các nước cộng hòa Trung Á, các nước châu Phi và cả Việt Nam, tới làm việc tại các nhà thổ của chúng.
Lãnh đạo cơ quan chống buôn người của Bộ Nội vụ Nga là Alexei Arkhipov từng tuyên bố hồi tháng 10 rằng số các cô gái bán hoa ở Nga bị "xuất khẩu" ra nước ngoài đã giảm trong vòng 6 năm qua do các vấn đề liên quan tới thị thực và sự suy giảm kinh tế của các nước ngoài Nga. Nhưng báo cáo của Walk Free nói rằng Nga vẫn là cổng buôn người ở khu vực lục địa Á - Âu.
Một viên cảnh sát đề nghị giấu tên nói với Moscow Times rằng gái bán hoa kiếm được trung bình 150-250 USD trên mỗi khách hàng. Như thế, một nhà thổ với hơn 20 cô gái bán hoa có thể kiếm được số tiền từ 600.000 - 2,5 triệu USD mỗi tháng. Viên cảnh sát trên cho biết mỗi nhà thổ phải hối lộ khoảng 300.000 USD mỗi tháng để chính quyền ngó chỗ khác.
Nhận thức về vấn đề nô lệ tình dục gần như không tồn tại. "Lạm dụng tình dục chảy mạnh trong xã hội Nga - bà Timofeyeva nói - Chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân"./.
>> Xem thêm: Gần 36 triệu người trên thế giới đang sống kiếp nô lệ hiện đại