Chỉ còn 3 năm nữa là tròn 100 năm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại – cuộc cách mạng đã mở ra cả một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Năm 2017 sẽ là một năm quan trọng, khi mà từ đầu thập niên 1990, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Đông Âu và Liên Xô, các thế lực chống cộng hoan hỉ chờ mong “cuộc thử nghiệm CNXH” sẽ chấm dứt trên toàn cầu vào năm đó hoặc trước năm đó.
Thế nhưng các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn lại trên thế giới vẫn đang vững vàng trên con đường mình đã chọn.
Thành tựu không thể phủ nhận
Nhìn lại lịch sử, vào đầu thế kỷ 20, nhiều người nghi ngờ sự ra đời và thành công của chế độ Xô viết XHCN vào năm 1917. Họ tin rằng giai cấp công nhân không thể nắm được chính quyền, và nếu có nắm được thì cũng không thể giữ được quá 2 tuần. Nhưng trên thực tế liên minh công-nông Nga đã giành và giữ được chính quyền, không chỉ trong 2 tuần hay 2 tháng như Công xã Paris, mà là tới hơn 70 năm và đạt nhiều thành tựu vĩ đại chưa từng có tiền lệ.
Bất chấp xuất phát điểm thấp, lại ở trong vòng vây toàn diện của chủ nghĩa tư bản ngay từ giai đoạn đầu, lại không thể tích lũy vốn theo kiểu mà các nước tư bản khác đã làm (như xâm chiếm thuộc địa, bán súng cho các bên, buôn nô lệ, bóc lột tàn tệ người lao động…) nhưng Liên Xô đã đạt được nhiều bước tiến phi thường cả trước Thế chiến thứ 2 và sau năm 1945 trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, công nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế, quân sự. Dựa trên phương pháp khoa học mác xít và tiếp thu kinh nghiệm của chính các nhà chuyên môn tư sản, nhân dân Liên Xô đã liên tục hoàn thành trước thời hạn nhiều kế hoạch 5 năm, tạo tốc độ phát triển thần kỳ cho đất nước trong thời gian dài. Liên Xô đã vươn mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành siêu cường thế giới, và về kinh tế chỉ đứng thứ 2 (sau Mỹ).
Liên Xô không chỉ lo cho bản thân, mà còn là điểm tựa cho phong trào giải phóng dân tộc thế giới. Cùng với Quốc tế III, Liên Xô là nước đi đầu bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa.
Không những vậy, chính CNXH hiện thực ở Liên Xô đã góp phần quan trọng gìn giữ hòa bình thế giới và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít - con đẻ của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện nay còn tồn tại và phát triển, một phần quan trọng là vì được giải thoát khỏi con quái vật phát xít, đồng thời chịu sức ép từ CNXH buộc nó phải điều chỉnh, phải “nghiên cứu” nghiêm túc Bộ Tư bản luận của Karl Marx, phải áp dụng triệt để khoa học công nghệ, tăng cường phúc lợi xã hội và tăng tỷ lệ cổ đông là công nhân trong doanh nghiệp nhằm xoa dịu đấu tranh giai cấp…
Với thực lực ở giai đoạn đỉnh cao của mình, rõ ràng Liên Xô đã đuổi kịp hoặc vượtnhiều nước phương Tây, và có đủ sức quá độ lên CNXH nếu bình tĩnh, tỉnh táo và không mắc các sai lầm chiến lược.
Thực tiễn cũng bác bỏ luận thuyết cho rằng Liên Xô là chế độ độc tài, bởi không có chế độ độc tài nào lại tồn tại lâu đến thế và lập được nhiều chiến công đến như vậy. Các chế độ độc tài của Hitler (Đức), Mussolini (Italy), Pinochet (Chile), hay Pol Pot (Campuchia) đều có kết cục là phải sụp đổ nhanh chóng.
Chính vì vậy mà các giá trị truyền thống vẫn được tôn trọng ở nước Nga hiện nay. Phần nhạc quốc ca Liên bang Nga ngày nay chính là của thời Xô viết. Cờ búa liềm và quân kỳ Hồng quân Liên Xô vẫn tung bay đầy kiêu hãnh trên Hồng trường mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít (9/5) hay tái hiện cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941 (đúng vào ngày Cách mạng tháng Mười 7/11).
Mô hình phát triển
Trong quá khứ, nước Nga thường ở trong thế lạc hậu hơn nhiều so với Tây Âu và Mỹ. Người Nga khi ấy ít nhiều đều bị ám ảnh về tình trạng lạc hậu của nước mình và mong mỏi tìm một lối đi để thoát khỏi tình trạng đó.
Ngoài ra, ngay trong buổi đầu khó khăn xây dựng chế độ mới, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lenin cũng quan tâm đặc biệt đến các dân tộc bị đế quốc thực dân áp bức.
Nhờ con đường của Lenin mà nước Nga rõ ràng đã trở nên hùng cường, không chỉ là cường quốc thông thường mà đã thành siêu cường số 2 thế giới, sánh vai với các nước lớn phương Tây, vượt qua được sự bao vây của tư bản lũng đoạn, tránh quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản độc quyền, tránh cho nhân dân đau khổ của giai đoạn tiếp tục phát triển tư bản chủ nghĩa (TBCN) sơ khai.
Thực tế ngày nay cho thấy các nước Đông Âu bao gồm Ukraine quay trở lại con đường TBCN đâu có phải luôn dễ chịu. Riêng nước Nga đã phải vật vã một thời gian dài tìm hướng đi, và đến nay vẫn bị phương Tây gây sức ép về mọi mặt. Chính đương kim Tổng thống Nga Putin từng nói, sự kiện Liên Xô tan rã là một bi kịch địa chính trị to lớn trong thế kỷ 20.
Mặc dù mô hình XHCN còn nhiều khiếm khuyết nhưng tính ưu việt đã thấy rõ.
Con đường của Cách mạng tháng Mười đã dẫn tới sự ra đời của nhiều đảng cộng sản trên thế giới, ở Đông Á, trong đó có Việt Nam. Đó còn là cảm hứng và ngọn đuốc dẫn đường cho Cách mạng tháng Tám 1945 cũng như sự ra đời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Việt Nam đã lựa chọn con đường đó, trước hết để giải phóng dân tộc, sau là tránh đau khổ do tuần tự phát triển dưới chế độ TBCN và tránh nguy cơ bị nô dịch bởi chủ nghĩa đế quốc. CNXH không chỉ là định hướng để giải phóng dân tộc mà còn là điều kiện quan trọng bảo đảm độc lập dân tộc trước các nước lớn trong bối cảnh CNTB đã vô cùng phát triển và chiếm ưu thế trên thế giới. Đồng thời đây cũng là phương án phát triển bền vững cho Việt Nam.
Ngày nay rõ ràng có những vấn đề toàn cầu cấp bách mà CNTB vẫn loay hoay chưa giải quyết nổi như tình trạng phân hóa giàu nghèo, nạn ô nhiễm môi trường và nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn nhân loại…
Sự phản bội nguy hiểm
Sự sụp đổ CNXH hiện thực ở Liên Xô không có nghĩa là CNXH đã chết (vì nó vẫn còn ở các nước khác với tổng dân số hơn tỷ người). Sự sụp đổ đó đồng thời mang lại những bài học phản tỉnh quý báu.
Cơn địa chấn Liên Xô và các nước Đông Âu XHCN sụp đổ vào năm 1991 và vài năm trước đó rõ ràng có bàn tay can thiệp từ bên ngoài, thông qua hoạt động của tình báo và chiến lược Diễn biến Hòa bình – “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”. Vì, dù bị khủng hoảng từ bên trong nhưng tại thời điểm chế độ XHCN tan rã, Liên Xô vẫn có xuất phát điểm cao hơn Trung Quốc và Việt Nam về nhiều mặt, vẫn sở hữu binh hùng tướng mạnh với kho vũ khí đáng gờm.
Nhìn lại tiến trình lịch sử thì thấy Liên Xô là nước mò mẫm đi đầu trong công cuộc xây dựng CNXH nên khó tránh khỏi những vấp váp nhất định, bao gồm các nguyên nhân sâu xa và cơ bản khiến Liên Xô sụp đổ.
Ngay từ giai đoạn đầu, trong quá trình xây dựng CNXH, Liên Xô đã mắc phải những sai sót – những khiếm khuyết này tích tụ dần, chậm được phát hiện và chỉnh sửa, và khi Liên Xô tiến hành sửa sai thì lại phạm các sai lầm mang tính nguyên tắc (đặc biệt là với sự “đầu têu” của Gorbachev).
Sự phản bội lý tưởng XHCN xuất hiện từ khá sớm, ít nhiều làm sứt mẻ sức mạnh và sức sống của CNXH hiện thực.
Bệnh kèn cựa cán bộ là có thật. Chẳng hạn, không ít vị tướng giỏi, với tư tưởng quân sự xuất sắc đã bị kẻ xấu vùi dập, gạt sang bên lề, thậm chí kiếm cớ sát hại vì tội… quá giỏi, có thể làm lu mờ một lãnh đạo nào đó.
Hậu quả là, Liên Xô có phần chới với khi bị phát xít Đức tấn công hồi đầu Thế chiến thứ 2. Hồi đó ngoài mặt trận, dù cố gắng Hồng quân vẫn bị đẩy lui liên tục. Ban lãnh đạo Liên Xô đã khá căng thẳng trong cách đối phó với phát xít hung tàn. Tất nhiên chỉ một thời gian sau đó, với chính nghĩa trong tay, với tính ưu việt áp đảo của chế độ XHCN, quân dân Liên Xô đã kịp xốc lại đội hình và làm khựng lại đà tiến của quân Hitler ngay trước thủ đô Moscow. Nhưng dù sao đây vẫn là một bài học đắt giá về công tác cán bộ cho các đảng cộng sản và các nước XHCN sau này.
Một thực tế đáng buồn khác là hầu hết các lãnh đạo trực tiếp của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 về sau đều đã bị “hạ bệ” dần dần, bằng cách này hay cách khác, vào nhiều thời điểm khác nhau.
CNXH ở Liên Xô vì thế ít nhiều đều đã bị biến dạng nhất định, nên không phát huy được đầy đủ sức sống kỳ diệu của mình và cuối cùng phải lụi tàn vào năm 1991.
Sinh thời, lãnh tụ thiên tài và hết mực trong sáng Lenin đã có nhiều bài viết phê phán, cảnh tỉnh cũng như có những chỉ đạo và hành động thực tế để loại bỏ tệ quan liêu độc đoán, bệnh hành chính, thói tha hóa biến chất trong các cán bộ và hệ thống Xô viết. Ông cũng kịch liệt đấu tranh chống bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí. Đảng Bolshekik dưới sự lãnh đạo của ông đã có hướng đi đúng đắn, giữ được bản chất giai cấp công nhân của mình.
Tuy nhiên, từ khi Lenin - người thầy của Cách mạng Nga qua đời, xung lực của Đảng Bolshevik mất đi nhiều (một điều đáng tiếc của lịch sử là Lenin mất quá sớm, chỉ 7 năm sau Cách mạng tháng Mười). Bệnh sùng bái cá nhân bắt đầu phát triển. Nhiều nguyên tắc xây dựng CNXH do Lenin đề ra đã bị vi phạm nghiêm trọng (chẳng hạn, người ta đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong tập thể hóa nông nghiệp, giẫm đạp lên nguyên tắc tập trung dân chủ, coi thường nền pháp chế XHCN; trong kinh tế, nhà nước lại nắm độc quyền một cách tràn lan, hình thành chế độ nhà nước bao cấp về kinh tế, làm thui chột tính tích cực, sáng tạo trong quần chúng…). Mặt khác, người ta hô hào trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng lại hiểu một cách giáo điều về học thuyết sáng tạo này.
Các sai lầm đó tích tụ dần và gây ra trì trệ, khủng hoảng ở Liên Xô và khối XHCN Đông Âu từ thập niên 1970. Tại thời điểm đó, mô hình kinh tế Liên Xô (vốn có khuyết tật) đã không được điều chỉnh để thích ứng với những biến chuyển chung của tình hình thế giới. Những tầng lớp quan liêu, đặc quyền đặc lợi (hình thành do các vi phạm nêu trên) làm cho đất nước ngày càng khó khăn thêm còn dân chúng thì bất mãn.
Các lý tưởng của Cách mạng tháng Mười đã bị phản bội một cách rõ nét trong giai đoạn này. Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu khi ấy đã xa rời quần chúng và trở nên tha hóa, khiến chế độ XHCN biến dạng trầm trọng.
Trong mối quan hệ giữa các nước XHCN, ít nhiều vẫn tồn tại tư tưởng nước lớn (chẳng hạn đã có xu hướng lấy Nga làm trung tâm, áp đặt văn hóa Nga, ngôn ngữ Nga lên các nước cộng hòa khác của Liên Xô… – tất cả những điều này đều trái với tư tưởng của Lenin vĩ đại). Nước Nga vốn có truyền thống Sa hoàng chuyên chế trong quá khứ và điều này gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý của những người XHCN ở Nga sau này.
Ở khu vực châu Á, có nơi người ta từng theo gương Cách mạng tháng Mười thì sau lại lợi dụng danh nghĩa “cách mạng văn hóa vô sản” để hãm hại các đồng chí chân chính của mình. Riêng ở Campuchia thập niên 1970-1980, những người mang danh cộng sản đã hoàn toàn biến thành những tên đồ tể phản dân hại nước, gây ra một thảm kịch diệt chủng ghê rợn trong lịch sử loài người.
Nếu chúng ta soi chiếu những vấn đề này bằng lý luận mác xít thì sẽ thấy không quá bất ngờ. Vì ngay từ đầu, hai nhà tư tưởng Marx và Engels đã cảnh tỉnh về CNXH phong kiến, CNXH tiểu tư sản, và CNXH tư sản.
Các sự phản bội nói trên tuyệt nhiên không phải là do bản chất của CNXH khoa học – học thuyết thể hiện ước vọng nhân văn của loài người từ ngàn đời. Chúng chỉ chứng minh một điều rằng sự nghiệp đấu tranh vì tiến bộ, công bằng, và nhân đạo là một cuộc chiến khổng lồ vô cùng cam go, khốc liệt. Cuộc đấu vì CNXH chân chính là cuộc chiến dài lâu của cái thiện chống lại cái ác. Công cuộc xây dựng CNXH không diễn ra trên thiên đàng, mà là trong vòng vây của môi trường TBCN cùng những gì cũ kỹ lạc hậu và bảo thủ - những thứ từng ngày từng giờ cố gắng tiêm nhiễm vào cơ thể của CNXH hiện thực.
Trong hàng ngũ cách mạng, những phần tử cơ hội và phản bội suy cho cùng là những kẻ đã gục ngã trước sức cám dỗ của các tư tưởng phong kiến, tiểu tư sản, và tư sản phản động, của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc hẹp hòi. Xét đến cùng, họ chính là những quan phong kiến hoặc các nhà tư bản phản động khoác áo cách mạng, đến với cách mạng nhưng chưa diệt trừ được lòng tham xấu xa trong mình.
Thực tế ở Đông Âu và Liên Xô cũ, sau khi chế độ XHCN sụp đổ, nhiều cựu đảng viên cộng sản theo phái “dân chủ” ở đó đã nhanh chóng và dễ dàng chuyển hóa thành các nhà tài phiệt hoặc những kẻ chỉ đắm đuối vào hưởng thụ, quay lưng hoàn toàn với những giá trị mình từng theo đuổi./.
Xem thêm:
>> Chế độ XHCN biến dạng dưới bàn tay bè lũ Pol Pot bội phản