Mối hiểm nguy mà các phụ nữ đi toilet ngoài trời ở vùng nông thôn Ấn Độ phải đối mặt đã được thể hiện rất rõ ràng vào tháng 5/2014 khi hai cô gái bị “mai phục”, cưỡng hiếp tập thể rồi treo lên cây. Thế nhưng chuyện phải đi đại tiện ở ngoài nhà lại là điều bình thường đối với đa phần những người dân làng ở Ấn Độ. Vậy họ phải xử lý thế nào để tránh các rắc rối?
Cách thủ đô Delhi của Ấn Độ chưa đầy 50 dặm, tại một ngôi làng có tên Kurmaali phụ nữ “đi đồng” vào hai thời điểm trong một ngày – lúc chạng vạng sáng và lúc sẩm tối.
Cánh đồng là cái nhà vệ sinh duy nhất mà đa phần những người phụ nữ này được biết đến. Chỉ có 30 trong số 300 ngôi nhà trong làng này là có công trình phụ riêng.
Họ ra ngoài theo nhóm để bảo đảm an toàn. Công việc này mất chừng 15 phút. Sau đó họ tản ra để mỗi người có chút riêng tư.
Kailash, 38 tuổi, đánh thức 3 cô con gái của mình dậy vào lúc 4h sáng. Mỗi người mang một chai nước rồi khởi hành.
“Chúng tôi luôn đi theo nhóm. Tôi chả bao giờ để con gái mình đi riêng lẻ”, Kailash nói.
Cô con gái út Sonu 18 tuổi bổ sung thêm: “Bọn em đi thẳng ra nhà vệ sinh rồi quay về. Chẳng bao giờ lệch tuyến. Không bao giờ đi một mình. Nếu bọn em thấy một cậu con trai nào đó, chúng em sẽ hét thẳng vào cậu ta”.
Việc bước chân một cách cẩn trọng là điều quan trọng. Một khi đã thu hoạch vụ mùa, cánh đồng sẽ trống trải và toàn bộ không gian cánh đồng sẽ rộng mở cho bất cứ ai muốn sử dụng. Theo nghĩa đen đây đúng là một toilet lộ thiên.
Thời kỳ gieo hạt và thu hoạch, ai đó mà muốn đi đồng thì sẽ phải đi bộ thêm 15 phút nữa, tới một nơi chưa được canh tác. Như vậy bài tập đi bộ sẽ kéo dài từ bình thường là tầm 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ lên thành 1 tiếng 15 phút hoặc hơn thế.
“Đi trong đêm”
Bóng tối che chắn cho những người phụ nữ và mang lại cho họ chút riêng tư – điều này rất quan trọng đối với họ. Nhưng mặt khác, bóng tối cũng khiến họ dễ rơi vào nguy hiểm. Do vậy, họ rất muốn “xong việc” càng sớm càng tốt.
Mấy cô gái này kể cho phóng viên câu chuyện về một phụ nữ trong làng đã dại dột ra đồng một mình rồi đột nhiên bị đèn pha của xe tải đi ngang qua rọi sáng. Sau đó chiếc xe tải dừng lại và người tài xế ra khỏi xe. Người phụ nữ buộc phải bỏ chạy để được an toàn.
Người mẹ của một trong các cô gái bị treo lên cây ở Uttar Pradesh thú nhận với phóng viên BBC rằng bà luôn đi kèm con gái ra đồng nhưng lần này bà để cho cô gái đi một mình – một quyết định mà bà nói mình sẽ hối hận mãi.
Trong làng người dân không sử dụng giấy toilet – chỉ có nước thôi, dù rằng sau khi đi đồng về, các phụ nữ ở đây thường tắm sạch sẽ bằng xà phòng.
Việc “đi đồng” thường bắt đầu diễn ra khi màn tối buông xuống lúc chiều muộn. Còn trong ngày, người phụ nữ phải chờ đợi đến dịp để được đi toilet lộ thiên.
Những người phụ nữ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải kiềm chế nhu cầu tiểu tiện và đại tiện. Nếu cần thiết, họ có thể “nhịn” hàng giờ liền. Thế nhưng năm ngoái (2013), Sonu bị đau bụng.
“Con bé phải đi nhà tiêu khẩn cấp, nên tôi đã đổ đầy một chai nước và đưa nó ra đồng ngay giữa ban ngày”, Kailash nói. “Tôi ở với nó chừng 3 tiếng đồng hồ. Tôi trải một tấm vải dưới một cái cây, để cứ sau vài phút con bé có thể nghỉ ở đó, chúng tôi phải ở lại đó đến khi con bé cảm thấy ổn ổn, không còn cần đi ị nữa”.
Seema, cô con gái cả của Kailash, có vài năm đi học trường nội trú, trong đó có một toilet khép kín. Cô gái nhanh chóng quen với công trình phụ này, nhưng cho rằng chiếc toilet đó có được là nhờ lối sống hiện đại.
“Trường và khu nội trú của bọn em nằm trong những tòa nhà lớn, không có cánh đồng nào xung quanh cả, nên họ phải xây toilet bên trong,” cô gái nói.
Tại ngôi trường duy nhất ở Kurmaali, phóng viên BBC thấy 2 toilet nhưng rõ ràng chúng không được sử dụng. Một cái không có cửa, cái kia thì đầy gạch và rác rưởi.
Khi phóng viên hỏi lãnh đạo trường vì sao lại thế, ông này hỏi ngược lại tại sao lại cần toilet chứ. Ông ta giải thích rằng trường nằm ngay cạnh cánh đồng. Tuy nhiên các học sinh nam thì có thể dễ dàng ra đồng giữa thanh thiên bạch nhật để “giải quyết”, còn các nữ sinh thì không.
Cái giá chết người
Hồi tháng 5/2014, hai thiếu nữ ở bang Uttar Pradesh đã bị cưỡng hiếp tập thể và treo lên cây khi đi vệ sinh ngoài trời.
Vụ án đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống chính quyền bang và các tuyên bố cho rằng các cảnh sát từ chối truy tìm hung thủ.
Một quan chức cảnh sát ở Bihar vào năm 2013 tuyên bố, hơn 400 vụ hiếp dâm ở bang này có thể tránh được nếu các nạn nhân có công trình vệ sinh ở trong nhà.
Đa số đàn ông trong làng Kurmaali làm nghề lao động phổ thông hoặc tài xế. Một số làm việc ngoài cánh đồng. Một trong số ít người có toilet riêng là Santraj, hành nghề thợ xây, sống cạnh nhà Kailash.
Anh này tự xây nhà vệ sinh cách đây 8 năm với chi phí 10.000 rupee (tương đương 100 bảng Anh), gấp đôi thu nhập bình quân hàng tháng của làng. Toilet nằm bên trên hai cái hố sâu hơn 3m, có thoát nước nên không có mùi hôi thối. Một ngày nào đó sẽ phải làm rỗng các hố này, nhưng phải mất 10 năm thì mới phải làm vậy.
Nhưng tại sao Santraj có toilet mà đa số dân làng lại không có?
Santraj giải thích đó là vì anh chỉ có 4 đứa con trong khi hầu hết các gia đình trong làng phải nuôi ít nhất 6 đứa. Ngoài ra, Santraj phân tích, việc không có toilet chẳng ảnh hưởng gì đến nam giới. “Đàn ông con trai đi chỗ nào, lúc nào mà chả được”, anh nói. “Chỉ có phụ nữ cần được bảo vệ và che chắn thôi”.
Thì, ngay ở thành thị, người ta cũng dễ bắt gặp cảnh đàn ông Ấn Độ đứng tè lên tường ngay ở nơi công cộng.
Ở làng Kurmaali có một điều khá thú vị về cách người dân sử dụng nguồn thu nhập ít ỏi của mình.
Trên đường người ta thấy lác đác có xe máy và thi thoảng cả ô tô nữa – những xa xỉ phẩm thường có được từ của hồi môn.
Của hồi môn của Kailash không bao gồm xe máy, nhưng chồng chị đã sắm một chiếc ti-vi và một chảo thu vệ tinh, cho dù điện đóm ở đây khá tậm tịt và chỉ kéo dài trong tối đa 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Anh chồng đủ sức xây một toilet, với sự giúp đỡ tài chính của chính phủ. Nhưng cho dù chồng của Kailash đối xử tốt với chị, không rượu chè hoặc đánh đập chị, nhà xí lại không phải là ưu tiên của anh ấy.
Kailash cho biết: “Toilet không quan trọng lắm với cánh đàn ông… Mà tôi thì không thể nổi giận về những chuyện như thế này cả, ở đây phụ nữ chả ai làm thế”./.
Xem thêm: