Bắt đầu từ ngày 1/4, hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ hoàn trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn nhằm khuyến khích sinh đẻ. Các phương pháp điều trị được đề cập bao gồm thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đó, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là hơn 500.000 yên/ca, cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Nhật Bản. Vì thế, nhiều gia đình dù có mong muốn có con song vẫn còn e ngại vì khoản chi phí điều trị rất lớn này. Trước thực trạng đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói hỗ trợ từ bảo hiểm công với mong muốn khuyến khích các cặp vợ chồng tiếp nhận điều trị, nhất là những người có mức thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này vẫn chưa đủ để có thể đảo ngược được tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản, khi các bệnh nhân vẫn phải đối mặt với các chi phí đáng kể khác. Họ cho rằng, chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn sự sụt giảm tỷ lệ sinh trong những năm tới.

Tiến sĩ Atsushi Tanaka của bệnh viện Saint Mother kiến nghị chính phủ nên xem xét hỗ trợ chi phí cho các phương pháp được đánh giá cho tỷ lệ thành công cao hơn.

Bên cạnh những kiến nghị về việc bổ sung gói hỗ trợ, tiến sĩ Tanaka cũng tỏ ra lo ngại về việc phụ nữ Nhật Bản được khuyến khích có con sớm hơn trong khi họ vẫn phải đi làm. Một nghiên cứu gần đây của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo Life cho thấy phần lớn phụ nữ Nhật Bản nghĩ rằng họ không thể vừa đi làm vừa quyết định có em bé. Nhiều người có ý định từ bỏ công việc văn phòng toàn thời gian và làm việc bán thời gian để tập trung hơn vào việc điều trị hiếm muộn.

Hiện nay, Nhật Bản là nước trợ cấp hầu hết chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn và sở hữu số lượng phụ nữ sinh con bằng phương pháp IVF lớn nhất thế giới.

Theo thống kê năm 2019, có đến 7% trẻ sơ sinh ở Nhật Bản được ra đời bằng phương pháp IVF, cao hơn 5% so với Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn dao động quanh mức 1,3 - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết là cần thiết để duy trì mức dân số ổn định.

Trước chính sách hỗ trợ chi phí điều trị hiếm muộn, Nhật Bản cũng đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng mất ổn định dân số tại nước này như mở rộng trợ cấp tài chính cho nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em. Năm 2021, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Luật Nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và gia đình./.