Trong bối cảnh ấy, hàng trăm người Mỹ gốc Á và người dân quần đảo Thái Bình Dương đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận, buồn bã, sợ hãi, và vô vọng. Đoạn hashtag #StopAsianHate (nghĩa là “ngừng hận hù đối với người châu Á”) là một xu hướng hàng đầu trên mạng xã hội Twitter nhiều giờ sau loạt xả súng vào đêm 16/3 (giờ Mỹ).
Aisha Yaqoob Mahmood, giám đốc điều hành của một quỹ cổ xúy cho người Mỹ gốc Á và có trụ sở ở Atlanta, nói: “Tôi nghĩ rằng lý do người ta cảm thấy vô vọng là bởi vì người Mỹ gốc Á đã rung lên hồi chuông về vấn đề này trong thời gian rất dài... Chúng tôi đang giương cao lá cờ đỏ”.
Những bằng chứng về hận thù chủng tộc
Nhiều người cũng phẫn nộ trước việc nghi phạm Robert Aaron Long 21 tuổi không lập tức bị buộc tội hận thù. Giới chức cho biết, thanh niên Long nói với họ rằng vụ tấn công này không có động cơ phân biệt chủng tộc mà rằng anh ta tấn công các tiệm massage đó là do chứng nghiện tình dục. Sáu trong số 7 phụ nữ bị sát hại là người gốc châu Á.
Margaret Huang - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Tài sản phương Nam, chuyên theo dõi các nhóm hận thù, nói: “Gã này nhận diện các mục tiêu thuộc nhóm người châu Á”.
Huang nói thêm: Tay súng này “rõ ràng chuyên đi săn nhóm người bị y để ý”.
Bản thân bà Huang cũng là người Mỹ gốc Á. Bà cho biết, bà có nhiều cảm xúc cá nhân gắn với loạt xả súng vừa rồi. Bà lo lắng rằng việc không coi vụ tấn công là một tội ác hận thù sẽ “nhất định làm cho những người khác nản chí trong việc chủ động xin trợ giúp”.
Bà Huang rất không hài lòng trước các bình luận của một viên cảnh sát về tay súng nói trên như sau: “Đúng là ngày rất tệ hại cho anh ấy”.
Theo Huang, bình phẩm trên của viên cảnh sát “có vẻ như cố giải thích và biện minh” cho hành động của nghi phạm giết người. Bà nói, “hy vọng đây chỉ là lời nói nhầm”.
Đại úy Jay Baker của hạt Cherokee, người đưa ra các nhận xét gây phẫn nộ nói trên, đã bị đưa ra khỏi vị trí phát ngôn viên cảnh sát vào hôm 18/3. Văn phòng cảnh sát trưởng cho biết họ rất tiếc về hậu quả phát ngôn của Baker và nói rằng “họ không có ý định thiếu tôn trọng bất cứ nạn nhân nào”.
Người ta cũng vừa biết rằng tài khoản Facebook của Baker quảng bá một chiếc áo phông có ngôn ngữ phân biệt chủng tộc đối với Trung Quốc và virus SARS-CoV-2 vào năm 2020. Tài khoản này đã bị xóa vào đêm 17/3.
Giám đốc Mahmood nói rằng các chủ doanh nghiệp người Mỹ gốc Á ở khu vực Atlanta vốn đã sợ hãi trước các vụ như viết dòng chữ graffiti hận thù hay đột nhập nhà cửa của họ và vụ xả súng vừa rồi nâng mức độ lo sợ lên tầm cao mới.
Mahmood nói tiếp: “Nhiều chủ doanh nghiệp người Mỹ gốc Á trong ngành chăm sóc sắc đẹp và thực phẩm là những đối tượng dễ bị lộ mặt nhất trong cộng đồng”.
Tổ chức của Mahmood đang phối hợp với các nhóm khác để cung cấp các hỗ trợ bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm trợ giúp về sức khỏe tâm thần, võ tự vệ, và huấn luyện những người tình cờ chứng kiến các vụ hành hung người gốc Á.
Bày tỏ đoàn kết, thắt chặt cộng đồng
Trong khi đó, nhiều tổ chức của người Mỹ gốc Á từ Phoenix tới Philadelphia đã tổ chức các sự kiện nhằm thể hiện lòng đoàn kết.
Các tổ chức như Asian Americans United, Asian Pacific Islander Political Alliance, và vài nhóm đối tác khác đã tổ chức một sự kiện vào chiều 18/3 ở khu Chinatown của thành phố Philadelphia.
Mohan Seshadri - giám đốc điều hành của Asian Pacific Islander Political Alliance, nói: “Chúng tôi biết những người cùng gốc Á cần có thời gian đến bên nhau để tỏ lòng buồn thương và nói lên suy nghĩ về những gì đang diễn ra”.
Seshadri cho biết người gốc Á như họ đang sôi máu lên vì những gì vừa xảy ra. “Cách mà chúng tôi vượt qua tình cảnh này là tập hợp lại, cùng thể hiện tinh thần đoàn kết”.
Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại châu Á Arizona - Vicente Reid, đang lên kế hoạch về tổ chức một sự kiện tương tự vào tuần tới ở ngoại ô Mesa của Phoenix, nơi tập trung nhiều cửa hàng và nhà hàng của người Mỹ gốc Á. Ông nghĩ rằng các vụ sát hại vừa qua đã củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư địa phương.
Reid cho rằng thế hệ trẻ rất nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, chỉ cần được động viên và dẫn dắt.
Trong vài tuần qua, người Mỹ gốc Á đã đặt câu hỏi về cách xử lý làn sóng tấn công nhằm vào họ, bao gồm nhiều người già (tương tự như cách dịch Covid-19 gây tổn thất nhiều nhất cho người già). Virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những vị lãnh đạo khác đã sử dụng các ngôn từ phân biệt chủng tộc để gọi virus này.
Nhiều tổ chức của người Mỹ gốc Á nói rằng ngôn từ của ông Trump đã kích động người dân bày tỏ quan điểm bài châu Á và chống người nhập cư. Kể từ tháng 3/2020, gần 3.800 vụ việc đã được báo cáo cho Stop AAPI Hate, một trung tâm của người Mỹ gốc Á và người dân quần đảo Thái Bình Dương.
Sau khi có thông báo hôm 18/3 về sự gia tăng các tuyên truyền về người da trắng thượng đẳng năm 2020, Liên đoàn Chống Bôi nhọ (ADL) nói với hãng tin AP rằng một lượng lớn tuyên truyền chứa đựng những lời lẽ chống nhập cư.
Nhóm chống hận thù này cho biết, 10% dữ liệu về hận thù trong kho của họ chứa đựng các ám chỉ tới việc nhập cư, đa văn hóa, hay đa dạng hóa. Theo ADL, 522 tờ rơi, miếng sticker, và băng-rôn có các ám chỉ tiêu cực bao gồm các từ ngữ như “xâm lược, trục xuất, bệnh tật, bất hợp pháp, lây nhiễm, và virus”.
Điều may mắn là, theo Mahmood, cộng đồng người Mỹ gốc Á đang nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh không phải là người châu Á.
Mahmood nói: “Hành trình về phía trước là hãy sát cánh bên nhau, và bảo đảm rằng chúng ta không để những thảm kịch như vậy chia rẽ cộng đồng chúng ta”./.