Phòng thí nghiệm Nauka sẽ được gắn vào vệ tinh và trở thành phòng khoa học chính của Nga.
Vụ phóng được thực hiện ở sân bay vũ trụ Baikonur chiều 21/7, sử dụng tên lửa Proton-M. Chưa đầy 10 phút sau khi cất cánh, tên lửa Proton-M tách khỏi module Nauka, đưa nó vào quỹ đạo. Module Nauka dự kiến sẽ kết nối với khu vực của Nga trên ISS ngày 29/7 tới.
Phòng thí nghiệm Nauka sẽ được sử dụng cho các thí nghiệm, có thể tạo oxy cho 6 người, tái tạo nước từ nước tiểu. Phòng thí nghiệm này cũng sẽ có một nhà vệ sinh thứ hai cho các phi hành gia Nga và có thể đủ chỗ cho một thành viên phi hành đoàn thứ ba.
Cánh tay robot châu Âu (ERA) được gắn vào module Nauka để hỗ trợ lắp đặt và thay thế các bộ phận trên trạm vũ trụ mà không cần phi hành gia phải đi bộ ngoài không gian.
Phòng thí nghiệm Nauka được làm bằng thép không gỉ, hợp kim nhôm và sợi kevlar. Nauka sẽ thay thế module Pirs được phóng lên ISS năm 2001. Pirs sẽ tách khỏi ISS ngày 23/7 và được tàu vũ trụ Progress cho chìm xuống Thái Bình Dương.
Ban đầu Phòng thí nghiệm đa năng Nauka được dự kiến phóng lên ISS năm 2007 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần.
Đầu năm nay, Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho biết, Nga sẽ rút khỏi dự án ISS vào năm 2025 và lập trạm vũ trụ riêng nếu Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt với lĩnh vực vũ trụ của Nga./.