Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc phiên họp trong tối ngày 19/11, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cho biết, các nước EU đều đồng thuận về ngân sách của khối giai đoạn 2021-2027 nhưng hai nước Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu phủ quyết cơ chế phân bổ tài chính dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền.

Điều này khiến cho tổng thể các gói tài chính trị giá hơn 1.800 tỷ của EU, bao gồm ngân sách trung hạn và gói phục hồi kinh tế, tạm thời bị đóng băng và chưa thể gửi đến Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu trong tuần tới theo kế hoạch.

“Hungary và Ba Lan đã nói rất rõ rằng vào thời điểm này họ không thể đồng ý với cơ chế liên quan đến nhà nước pháp quyền. Nếu chỉ có thế thì không phải là lo ngại lớn bởi cơ chế nhà nước pháp quyền sẽ được bỏ phiếu thông qua với nguyên tắc đa số, nhưng với hầu như tất cả các nước thành viên, toàn bộ phải là một gói tổng thể, từ ngân sách, gói phục hồi cho đến nhà nước pháp quyền. Đó là lí do Hungary và Ba Lan đã phủ quyết”.

Trước bế tắc hiện nay, các lãnh đạo EU đã quyết định gác lại bất đồng giữa Ba Lan và Hungary lại để giao cho các nhóm chuyên gia tìm giải pháp. Ba Lan và Hungary trong thời gian qua đang bị Ủy ban châu Âu điều tra vì các cáo buộc vi phạm nhiều nguyên tắc về nhà nước pháp quyền như tư pháp độc lập hay tự do báo chí.

Tuy nhiên, đang ngày càng có nhiều tiếng nói trong nội bộ Liên minh châu Âu yêu cầu trừng phạt Ba Lan và Hungary. Trong thông cáo đưa ra trong ngày 19/11, Nghị viện châu Âu tuyên bố không chấp nhận bất cứ cắt giảm nào về các điều khoản liên quan đến cơ chế quy định việc phân bổ các nguồn tài chính của EU phải đi kèm các điều kiện về nhà nước pháp quyền.

Một số nước thành viên như Pháp và Hà Lan đã đề xuất EU có thể sẽ phân bổ gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro trước mà không có Ba Lan và Hungary, dựa theo một điều luật của khối quy định cho phép một nhóm có ít nhất 9 nước thành viên được theo đuổi một kế hoạch khác nếu các nước khác phản đối.

Hà Lan, nước bảo vệ quyết liệt nhất cơ chế nhà nước pháp quyền, được cho là cũng đang vận động để xây dựng một hiệp ước giữa các nước thành viên, trong đó loại Ba Lan và Hungary.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, châu Âu không muốn đe dọa Ba Lan và Hungary và sẽ tiếp tục đối thoại với hai quốc gia thành viên này để tìm giải pháp./.