108 toilet trang trí bằng cúc vạn thọ và ruy-băng đã được khai trương ngay tại ngôi làng từng xảy ra thảm kịch hai cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp và bị sát hại khi đi vệ sinh ngoài trời.

nha_ve_sinh_an_do_1_tpqr.jpgMột người dân làng Hirmathala sử dụng toilet (ảnh: AFP)
Đây là một bước đi nhỏ trong chiến dịch của Thủ tướng Narendra Modi chấm dứt việc đại tiện lộ thiên ở những người phụ nữ Ấn Độ nghèo khó.

Những nhà vệ sinh sạch bong này đã được trao cho bang Uttar Pradesh vào ngày 31/8 vừa rồi. Tại khu vực này những người phụ nữ tội nghiệp bấy lâu nay phải dò dẫm ra cánh đồng trong đêm để giải quyết “nỗi buồn”.

“Tôi tin rằng không được để bất kỳ người phụ nữ nào thiệt mạng chỉ vì chị ấy phải ra ngoài để đại tiện”, Bindeshwar Pathak, người thành lập quỹ từ thiện về vệ sinh Sulabh đã xây các toilet nói trên, tuyên bố.

Cắt băng Khánh thành toilet mới cho dân làng (ảnh: AFP0
Pathak nói với AFP ngay tại làng Katra Shahadatganj: “Mục đích của chúng tôi là, trong một tương lai không quá xa, sẽ cung cấp cho mỗi hộ gia đình ở nông thôn 1 cái toilet”.

Ngôi làng Katra Shahadatganj xuất hiện dày đặc trên báo chí trong tháng 5/2014 khi người ta phát hiện thi thể hai cô nữ sinh bị treo trên cây tại đây. Hai cô gái này được cho là đi vệ sinh sau khi màn đêm buông xuống bởi vì nhà của hai cô không có toilet, giống như bao gia đình khác trong vùng.

Vụ việc đã gây công phẫn, làm người ta nhớ lại vụ cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh đi xe bus ở New Delhi hồi năm 2012 khiến nạn nhân tử vong.

Tuy nhiên chuyện các nữ sinh phải ra ngoài vào ban đêm để đại tiểu tiện không phải là chuyện lạ ở Ấn Độ.

UNICEF ước tính gần 594 triệu người – tức là gần 50% dân số Ấn Độ - “đi ị” ngoài trời. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn vừa nghèo vừa bẩn.

Một người dân làng Katra Sahadatgunj nấu ăn gần một toilet mới xây (ảnh: AFP)
Khoảng 300 triệu phụ nữ và em gái bị buộc phải “ngồi xổm” ngoài trời và đối diện nhiều nguy cơ như lây bệnh và vi khuẩn hay bị đàn ông quấy rối và tấn công tình dục.

Hồi tháng 8 Thủ tướng Modi đưa ra vấn đề tế nhị này trong bài diễn văn nhân ngày Độc lập của Ấn Độ. Ông nói Ấn Độ cần phấn đấu bảo đảm mỗi căn hộ đều có một toilet trong vòng 4 năm tới.

Ông Modi nêu câu hỏi: “Chúng ta đương sống trong thế kỷ 21 nhưng những người phụ nữ không có được phẩm giá khi họ phải ‘đi ngoài’ lộ thiên. Liệu quý vị có hình dung được một loạt vấn đề mà họ phải đối mặt do việc này hay không?”

Lo sợ bị tấn công

Người mẹ 3 con Dhanwati Devi, một trong những người dân làng được tiếp nhận 1 nhà vệ sinh mới, cho biết chị cuối cùng có thể đi vệ sinh mà không sợ bị tấn công trong đêm tối nữa.

Người phụ nữ 48 tuổi nói với AFP: “Tôi thường mơ nhà mình một ngày nào đó sẽ có toilet. Giờ thì tôi có rồi, tôi cảm thấy rất tự hào và tự do”. Devi vừa nói vừa đứng cạnh buồng vệ sinh sơn xanh và hồng được trang trí bằng các dải hoa bên ngoài ngôi nhà của mình.

“Tôi thường rất sợ hãi khi đi ra cánh đồng hoang lúc trời tối, bởi vì tôi có thể bị bọn thú tính tấn công bất cứ lúc nào”.

Người chú của hai cô gái bị treo cổ cho biết, các toilet mới của làng là biểu tượng cho cả “hy vọng lẫn thất vọng”.

Ông này nói với phóng viên: “Mỗi lần thấy các nhà vệ sinh mới này, chúng tôi lại nhớ lại những cháu gái đã chết vì chúng tôi không có nổi một toilet… Nhưng nó cũng đem lại hy vọng là những người phụ nữ của chúng tôi sẽ an toàn hơn so với khi còn phải mạo hiểm lao vào màn đêm”.

Các chính phủ kế nhiệm ở Ấn Độ cũng như các tổ chức từ thiện và các nhóm vận động xã hội đã từ lâu nỗ lực tăng số lượng toilet ở các làng và khuyến khích người dân sử dụng các toilet đó.

Các chuyên gia cho biết một số hộ gia đình thấy việc đại tiện ngoài trời thoải mái hơn, trong khi số khác lại thấy khi sử dụng toilet hiện đại, họ gặp phải một số vấn đề về hệ thống xả nước, thoát nước và việc bảo trì.

Dân làng tiến hành các công việc thường ngày gần các toilet mới xây và được quyên tặng cho làng Hirmathala (ảnh: AFP)
Một nhà nghiên cứu tại Tổ chức phi lợi nhuận WaterAid tên là Zach White cho hay: “Một số người thậm chí ưa thích việc đi đại tiện lộ thiên hơn là sử dụng nhà vệ sinh vì các lý do về văn hóa, tôn giáo hay truyền thống”.

Ông White nói với AFP: “Đối với nhiều người, ý tưởng đại tiện ngay trong nhà hoặc ở nhà xí gần nhà ở, là kỳ kỳ thế nào ấy, và không được vệ sinh bằng việc ra các bãi đất cách xa nhà”.

Việc thiếu toilet cùng các vấn đề vệ sinh khác khiến Ấn Độ phải tốn gần 54 tỷ USD mỗi năm do các bệnh như tiêu chảy và năng suất lao động thấp, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2012.

Các nhân viên của quỹ Sulabh sẽ tập trung vào việc giáo dục dân làng về điều kiện vệ sinh tốt hơn và các ích lợi sức khỏe từ việc sử dụng toilet.

Hiện trường vụ 2 nữ sinh bị cưỡng hiếp và treo cổ ở làng Katra Shahadatgunj (ảnh: AFP)
Tuy nhiên phụ nữ làng Katra Shahadatganj không cần nhiều động viên như vậy.

Chị Devi nói: “Sử dụng toilet là điều xa xỉ. Giờ chúng tôi có sự xa xỉ này rồi, chúng tôi sẽ không để lãng phí nó”./.

>> Đọc thêm: Họa hiếp râm rình rập thiếu nữ Ấn Độ ‘đi toilet’ lộ thiên