Ấn Độ là một cường quốc dân số, một nền kinh tế mới nổi, và một trung tâm hàng đầu cung cấp nhân lực tài chính và công nghệ thông tin cho thế giới. Quốc gia này cũng có nền khoa học phát triển và thử thành công nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa. Không những vậy đây còn là quê hương của rất nhiều nhân viên thuộc các tổ chức đa phương quốc tế như WTO, WHO, UNICEF, UNESCO…
Thế nhưng trong quá trình phát triển của mình, đất nước Nam Á này vẫn đối diện với nhiều bất cập và nghịch lý. Bên cạnh một tầng lớp dân giàu lên nhanh chóng, tỷ lệ người nghèo vẫn còn nhiều. Theo nhiều nguồn tin, có tới một nửa số hộ dân Ấn Độ chưa có nhà vệ sinh riêng. Và có một vấn nạn không thể không nhắc tới là nạn đi “tè” công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Nạn đái bậy không chỉ gây mất mỹ quan, làm xấu hình ảnh văn hóa của nền văn minh Ấn Độ lâu đời, mà còn gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe của chính người dân địa phương.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì? Xin giới thiệu bài viết của tác giả Jairam Ramesh (sống ở Calcutta, Ấn Độ) đăng trên trang BBC Anh ngữ:
<<
Làm thế nào để Ấn Độ chặn nạn đi tè ngay giữa phố xá?
Bớt chút thời gian đến sống ở Ấn Độ, bạn sẽ thấy cánh đàn ông ở đây đi tè ngay nơi công cộng. Ở bang Rajasthan các tình nguyện viên tìm cách đánh trống thổi còi để gây xấu hổ cho những kẻ đái đường này. Nhưng một vài người khác cho rằng xứ sở này cần phải có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hơn nữa.
Mấy hôm trước, khi chúng tôi tới Ấn Độ, con trai tôi chỉ vào một nhóm nam giới đứng phía trước một bức tường gần căn hộ của chúng tôi. Tất cả bọn họ đều cười đùa trong lúc tiểu tiện công khai như vậy. Thằng bé nhìn tôi, bối rối hỏi, “Họ làm cái gì thế cha?”
Năm năm sau, tôi vẫn cố tìm câu trả lời. Khi đi vòng quanh nền dân chủ lớn nhất thế giới, bạn nên để ý cẩn thận chỗ bạn đang đi bởi vì, bạn sẽ thấy những người đàn ông – lúc nào cũng là đàn ông – đi tiểu và khạc nhổ khắp mọi nơi. Một người bạn Ấn Độ của tôi mới đây nói đùa rằng việc này đã trở thành một thú vui dân tộc.
“Bọn tôi làm thế khắp mọi nơi”, anh bạn nói vẻ tự hào.
Một cây viết của một trong những tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Ấn Độ gần đây tự đặt câu hỏi, “Liệu người Ấn về bản chất không được vệ sinh lắm?” Câu trả lời của cây bút này là “Có”, và điều này đã làm cho một lượng độc giả của ông nổi giận.
Cầm theo một bản sao bài viết của nhà báo này, tôi quyết định hỏi một số người bạn những câu hỏi tương tự.
Bikram, thuộc giới trung lưu, là người đầu tiên trả lời câu hỏi của tôi. Sau khi liếc tôi vài giây, anh ta nói: “Làm sao anh lại hỏi một câu ngớ ngẩn thế?”
Câu trả lời rất đơn giản, anh ta nói tiếp. “Chỗ này không có đủ toilet.” Quanh bàn nói chuyện, nhiều người gật đầu hưởng ứng.
Bikram có lý. Bộ trưởng phát triển nông nghiệp của Ấn Độ Jairam Ramesh mới đây nói rằng đất nước của ông cần có thêm toilet hơn là đền thờ. Một nửa số hộ gia đình ở Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng. Các bình luận của vị bộ trưởng đã kéo theo các cuộc biểu tình bên ngoài tư gia ông này. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau đó, ông Jairam Ramesh hối thúc phụ nữ không kết hôn trừ phi nhà chồng có toilet.
Sau khi Bikram bình phẩm, mọi người trùng xuống không nói gì thêm. Có vẻ như việc thảo luận đã kết thúc.
Nhưng chính khi ấy, Tina- một người nội trợ quyết định lên tiếng. “Vấn đề không phải là toilet. Vấn đề là thiếu ý thức công dân”, chị nói. Tina kể thêm, chỉ vài giờ trước đó chị đã phải tận mắt nhìn cảnh một nam giới đái bậy trên phố, ngay phía trước một toilet công cộng.
Tina bực bội: “Chuyện này xảy ra như cơm bữa, tởm quá cơ”.
Tôi đánh mắt sang Bikram, hy vọng tìm thấy phản ứng nào đó từ anh này. Nhưng anh im như thóc, rồi giả tảng phải gọi điện thoại gấp. Còn một người bạn nữa của tôi, đến từ Mumbai, tên là Raju, thì lắc đầu.
“Các vị đã bao giờ đến một nhà vệ sinh công cộng chưa?”, anh này hỏi mọi người. “Hôi kinh người. Gần nhà tôi có một cái. Người ta phải phá bỏ nó vì anh không thể đi gần cái toilet này trong vòng 45m mà không bị nôn nao hết cả người.”
Được dịp, Tina nói một thôi một hồi: “Đó là do chế độ đẳng cấp [trong xã hội Ấn Độ]. Xã hội chúng ta mặc định chỉ có người thuộc đẳng cấp dưới mới dọn dẹp nhà vệ sinh. Chẳng ai chịu làm cả. Chừng nào còn quan điểm này thì vấn đề vẫn chưa thể giải quyết”.
Người bạn Brinka của Tina ngồi kế bên như muốn nói điều gì. Mắt cô dán vào tất cả những người đàn ông ngồi quanh bàn.
Cô thỏ thẻ, “Cho phép em hỏi các anh là tại sao phụ nữ bọn em lại có thể đợi đến khi tìm thấy nhà vệ sinh còn các anh thì không?” Không có đấng mày râu nào quanh chiếc bàn dám trả lời.
Khi quay về nhà, tôi thấy một nam giới đứng trên vỉa hè. Chân tẽ ra. Hẳn quý vị biết anh này đang làm gì.
Tôi hỏi anh ta bằng tiếng Hindi: “Sao anh lại không đợi tới khi về nhà hoặc thấy một nhà vệ sinh nào đó?”
Anh ta nhìn tôi trân trân như thể tôi là gã điên. Anh ta thủng thẳng đáp: “Thưa ngài, đây là Ấn Độ, đây là những gì chúng tôi làm”.
Một viên cảnh sát nghe hết đoạn hội thoại giữa hai chúng tôi. Tôi hỏi ông ta sao không ngăn chặn hành vi của người thanh niên kia. Khuôn mặt nở một nụ cười, ông ta nói: “Thế vấn đề là gì nhỉ?”
Tâm trí tôi cứ ám mãi câu nói đó trên đường về nhà. Làm sao người ta có thể giải quyết vấn nạn này khi mà vẫn còn thái độ đó?
Khi ngước nhìn lên, tôi thấy các bức tranh của các vị thần dán trên tường ngay phía trước mặt. Người ta đã áp dụng đến chiêu này bên ngoài một ngôi nhà nhằm ngăn người khác tè lên đó.
Ấn Độ có thể đúng là cần toilet nhiều hơn đền thờ. Nhưng ở một đất nước sùng đạo như thế này, có vẻ như sự can thiệp của thánh thần là cách duy nhất ngăn cánh đàn ông xứ sở này tè đường hoặc tè tường.
>>
Câu chuyện trên của tác giả Jairam Ramesh có từ năm 2012. Nhưng đến nay (2014), sau 2 năm tình hình “tè đường” tại Ấn Độ vẫn không thuyên giảm.
Chính vì vậy tháng 5 vừa rồi, nhóm hoạt động xã hội Clean India (Làm sạch Ấn Độ) đã quyết định ra tay bằng cách thực hiện chiến dịch huy động xe téc và phun vòi rồng không thương tiếc vào chính những đấng nam nhi đang mải mê tè lên tường ở nơi công cộng. Theo trang tin DNA India của Ấn Độ, nhóm này sẽ bịt mặt bằng khẩu trang rồi lên xe téc đi quanh thành phố Mumbai và dò tìm bất cứ kẻ nào đang vi phạm pháp luật Ấn Độ.
Nhóm này tuyên bố “lấy độc trị độc” – họ sẽ chỉ buông “súng” khi nào cánh đàn ông kia chịu buông “súng” và không làm vấy bẩn đô thị nữa.
Giải pháp của nhóm Clean India nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Có người cho rằng chẳng giải quyết được gì đâu vì thiếu nhà vệ sinh công cộng. Nhưng những người khác lại lấy làm hả hê về cách tiếp cận “sáng tạo” và cũng rất mạnh tay này. Theo họ, một số người Ấn Độ chả thiết bỏ tiền để dùng dịch vụ toilet công cộng và chỉ có cách này mới giúp họ nhận ra cách ứng xử phù hợp.
Dưới đây là một số hình ảnh về “đòn hiểm” của nhóm Clean India, được chụp từ clip do nhóm đưa lên mạng: