Hôm nay (17/7), Hội đồng đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tiến hành nhóm họp bàn về những ưu tiên liên quan đến việc triển khai chiến lược toàn cầu của khối trong những năm tới, trong đó đặt trọng tâm vào vấn đề liên quan đến nạn di cư trên Địa Trung Hải.
Tại cuộc họp này, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu dự kiến đề cập đến những diễn biến gần đây nhất tại Libya và xem xét lại những biện pháp ứng phó mà Liên minh châu Âu đã thực hiện, trong đó có chiến dịch Sophia chống lại nạn buôn người trên khu vực Địa Trung Hải được cho là chưa phát huy được hiệu quả.
Mục tiêu của Liên minh châu Âu khi tiến hành chiến dịch là nhằm triệt phá các mạng lưới đưa người vượt biển trái phép đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, tuy nhiên, chiến dịch này đến nay được đánh giá là chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng vì lực lượng an ninh chỉ bắt giữ được một số tay chân cấp thấp của những mạng lưới trên cùng với những người di cư.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh: "Được giải cứu từ Địa Trung Hải không có nghĩa là lấy được tấm vé tới châu Âu. Italia cần tới sự đoàn kết của chúng ta, nhưng đó phải là sự đoàn kết đúng đắn. Chúng ta phải giúp Italia đóng cửa tuyến đường qua Địa Trung Hải.”
Trong cuộc họp trên, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu cũng dự kiến đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhằm vào những tên đầu sỏ và những kẻ được hưởng lợi từ những mạng lưới này.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Vấn đề Triều Tiên cũng là một nội dung đáng lưu ý tại cuộc họp trên do mối quan ngại về những diễn biến gần đây khi Triều Tiên tiến hành vụ bắn thử tên lửa đạn đạo ngày 4/7 vừa qua.
Trong cuộc họp này, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu sẽ xem xét mối quan hệ với Triều Tiên và thực hiện những chính sách mới hơn nhằm thuyết phục nước này thay đổi quan điểm về vấn đề hạt nhân.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết: "Chúng ta sẽ nỗ lực để Triều Tiên nhìn nhận lại, đồng thời tiếp tục gây sức ép với nước này. Và cách tốt nhất để làm điều đó hiện giờ tất nhiên vẫn sẽ là thúc ép Trung Quốc, nước có ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên. Chúng ta đã thấy một số tiến triển nhưng hiện vẫn còn nhiều việc phải làm".
Ngoài ra, Hội đồng đối ngoại của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thông qua việc quản lý khủng hoảng liên quan đến việc ủng hộ cuộc cải cách lĩnh vực an ninh tại Iraq cũng như những ưu tiên hàng đầu của Liên minh châu Âu tại Liên hợp quốc và tại phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 tới./.