Ngày 2/4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cho biết nhóm P5+1 và Iran đã đồng ý nối lại cuộc đàm phán liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran vào ngày 13/4 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, đứng trước việc Iran ngày càng tiến gần tới khả năng sở hữu bom nguyên tử, Mỹ và phương Tây vẫn thực hiện một trong hai chiêu thức: đe dọa đánh bom các căn cứ hạt nhân bằng lực lượng xung kích Israel và thắt chặt cấm vận kinh tế, làm cho cuộc chiến “ngầm” ngày càng gia tăng khiến dư luận quốc tế quan ngại.

Các hoạt động tình báo

Giới truyền thông Mỹ và phương Tây đã đề cập nhiều đến một kiểu “chiến tranh lạnh” - chiến tranh tình báo chống Iran được bắt đầu từ năm 2007, với các sự kiện: Các quan chức Iran chạy trốn sang phương Tây đã tiết lộ về chương trình hạt nhân của Iran; Iran bắt giữ nhân viên của Anh trong vụ Shatt Arab Waterway; ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran; sử dụng virus Stuxnet worm để phá hoại nỗ lực làm giàu uranium của Iran, cùng với đó là nỗ lực của Iran vũ trang cho các lực lượng chống lại áp lực của phương Tây.

Các lực lượng tình báo của Iran hiện có mặt ở cả Iraq, Lebanon, Yemen, Afghanistan, Syria, Palestine, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác. Nếu như trước đây cuộc chiến tình báo ngầm chống Iran được tiến hành thầm lặng trong nhiều năm thì các sự kiện gần đây cho thấy cuộc chiến đó đang dần lộ rõ khi được gia tăng về cường độ.

Năm 2011, các hoạt động chống phá ngầm do phương Tây tiến hành chống Iran đã được tăng cường đáng kể. Mỹ và Israel đã phối hợp nghiên cứu và sử dụng virus Stuxnet worm để chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

Ngày 12/11/2011, xảy ra một vụ nổ tại căn cứ tên lửa đạn đạo của Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gần Tehran, làm 17 người chết, trong đó có một sĩ quan chỉ huy cao cấp của IRGC và là thành phần quan trọng trong chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Nhiều thông tin cho rằng đây là một phần trong chiến dịch phá hoại do cơ quan tình báo Israel tiến hành.

Ngày 21/11/2011, Mỹ và Anh tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran dựa trên báo cáo của IAEA. Biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hệ thống ngân hàng và năng lượng của Iran. Anh, Canada thực thi một biện pháp chưa từng có là cắt bỏ hoàn toàn Ngân hàng Trung ương Iran khỏi lĩnh vực tài chính của họ.

Ngày 28/11/2011, xảy ra một vụ nổ ở Esfahan, một trong những thành phố lớn nhất Iran và các nguồn tin của Mỹ cho biết thiệt hại là rất lớn. Esfahan là nơi có rất nhiều cơ sở quân sự và nghiên cứu phát triển hạt nhân.

Ngay sau đó Hội đồng Vệ binh Iran quyết định trục xuất Đại sứ Anh và hạ cấp quan hệ ngoại giao với Anh. Tiếp đó những người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán và khu cư trú ngoại giao của Anh. Sự nổi giận này được tổ chức khéo nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Anh.

Ngày 1/12/2011, EU phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống lại khoảng 80 cá nhân và công ty ở Iran do ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân.

Thiết bị bay không người lái RQ-170

Đầu tháng 12/2011, Iran tuyên bố đã chiếm quyền điều khiển và buộc hạ cánh một thiết bị bay không người lái (UAV) RQ-170 Sentinel của Mỹ trên lãnh thổ của Iran. Chiếc RQ-170 Sentinel của Mỹ được coi là bị Iran “bắn hạ”.

Tuy nhiên, qua một số hình ảnh do Iran công bố cho thấy chiếc UAV này vẫn còn khá nguyên vẹn. Do vậy, nhiều khả năng Iran đã chiếm quyền điều khiển và buộc chiếc UAV này hạ cánh. Iran còn cho rằng UAV không chỉ để thu thập thông tin tình báo mà còn triển khai vũ khí sinh học tiêu diệt lực lượng của Iran.

Đại sứ Nga Vladimir Titorenko trở về từ Syria đã nhận định rằng Mỹ đang chuẩn bị một “giải pháp cuối cùng” cho cuộc khủng hoảng tại Syria và Iran bằng một cuộc chiến tranh với vũ khí sinh học nhằm tiêu diệt lực lượng của Iran. Nhận định trên của Titorenko là dựa vào các kết quả phân tích tình báo.

Cũng theo các nguồn tin khác thì Iran đã sử dụng hệ thống trinh sát, chiến tranh điện tử 1L222 Avtobaza ELINT do Nga mới cung cấp để buộc chiếc RQ-170 Sentinel phải hạ cánh.

Cuộc chiến “ngầm” sẽ đi đến đâu?

Mỹ hiện đang tiến hành rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, trong khi quân đội Mỹ là lực lượng quân sự duy nhất ở vùng Vịnh có khả năng chống lại sức mạnh quân sự của Iran, điều đó tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Iran rất muốn khai thác.

Sức mạnh thực sự của Iran là từ khả năng sử dụng lực lượng quân sự truyền thống chứ không phải vũ khí hạt nhân. Vì thế, tấn công chương trình hạt nhân của Iran sẽ không tiêu diệt được lực lượng quân sự truyền thống của Iran và không chấm dứt được các hoạt động can thiệp của Iran vào đường vận chuyển, lưu thông dầu mỏ qua eo biển Hormuz.

Do vậy, Mỹ và đồng minh hiện đang chuyển hướng tấn công Iran theo một cách thức khác, tìm cách thu hẹp vòng ảnh hưởng của Iran thông qua việc chống phá chế độ Syria, hạn chế ảnh hưởng của Iran đối với Iraq và kiểm soát lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Mỹ và đồng minh cũng tìm cách tấn công chương trình hạt nhân của Iran bằng cách ép buộc các quan chức chạy trốn, ám sát các nhà khoa học và triển khai vũ khí chiến tranh mạng.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì các hoạt động chống phá ngầm đối với Iran không thể tiến hành một cách dễ dàng, đòi hỏi một khối lượng lớn thông tin tình báo nhằm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và các hoạt động hỗ trợ cũng rất lớn.

Thông qua chiến dịch này, Mỹ và phương Tây không chỉ sử dụng các phương pháp ngầm để tấn công chương trình hạt nhân và tiềm lực quân sự của Iran mà còn phát triển các phương pháp mới chưa từng biết đến, với những ứng dụng chiến thuật mới, mang tính cách mạng so với các phương pháp cũ.

Như vậy, các hoạt động tình báo nhằm vào Iran với cường độ ngày càng gia tăng, đáng chú ý là về khả năng Mỹ sử dụng UAV để triển khai vũ khí sinh học tấn công Iran là động thái cho thấy Mỹ và phương Tây đang chuẩn bị cho phương án tấn công quân sự Iran khi điều kiện cho phép. Vì thế, sự quan ngại về một cuộc chiến thực sự nổ ra tại đây là có cơ sở./.