Tuyên bố trên dường như không khả thi khi tình hình Syria vẫn chưa tới hồi kết và Iran - đồng minh thân cận của Syria không dễ gì rút lui khi cuộc tranh giành ảnh hưởng gần tới đích.

cuocchienchuacohoiketosyria_tgee.jpg
Các thành viên quân đội Mỹ ở miền Bắc Syria. Ảnh: Reuters

Đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề của Syria, James Jeffrey, hôm 20/11 nói rằng quân đội nước ngoài cần rút khỏi Syria trừ Nga ở căn cứ Tartous và căn cứ không quân ở Humaimam. Ông Jeffrey giải thích rằng Mỹ không nằm trong danh sách rút quân vì họ đã có mặt ở Syria trước cuộc khủng hoảng năm 2011 đồng thời khẳng định Mỹ có mặt tại Syria để hỗ trợ loại bỏ các tổ chức khủng bố. Đặc phái viên James Jeffrey nhấn mạnh tất cả các lực lượng khác đã sẵn sàng ra khỏi Syria nếu Iran rút để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố này một lần nữa cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria, trái với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước đó rằng sẽ giảm sự can thiệp ở các nước Trung Đông và sớm rút quân tại Syria về nước. Mới đây Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng nước này sẽ không rút quân cho đến khi quân đội Iran nằm ngoài biên giới Syria, bao gồm cả các đồng minh của Iran và lực lượng dân quân của họ.

Tuyên bố này và sự leo thang tình hình cho thấy Mỹ sẽ hiện diện lâu dài và mở rộng ở Syria. Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria tham gia vào cuộc chiến quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dù chính quyền Syria cho rằng đây là bất hợp pháp và nhiều lần yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này.

Mặc dù còn nhiều bất đồng nhưng tuyên bố không rời khỏi Syria của Mỹ đã khiến cho mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ dần dần ấm lên. Quan hệ này tạo thành một đối trọng với liên minh Nga, Iran và Syria. Mỹ đã thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa S-400 của Nga để đổi lấy một lô hàng máy bay F35 bất chấp quyết định của Quốc hội Mỹ về việc cấm bán các máy bay chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Dường như Mỹ đang cố gắng xác định lại liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ vì điều này sẽ tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của họ ở Syria. Cả hai quốc gia đều chia sẻ những lợi ích quan trọng ở đây.

Hiện nay có 4 lực lượng nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Syria là Nga, Iran, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Nga và Iran hỗ trợ cho lực lượng chính phủ Syria thì Mỹ hỗ trợ lực lượng dân chủ Syria và dẫn đầu liên minh quốc tế chống lại khủng bố cùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến ủy nhiệm bất tận giữa các nước trong khu vực và quốc tế tại Syria khiến tình hình càng thêm phức tạp và khó đi tới hồi kết cũng như làm tăng sự đối đầu trực tiếp và gián tiếp giữa các bên./.

Toan tính mới của Nga ở Syria

VOV.VN - Gây sức ép buộc EU hỗ trợ cho quá trình tái thiết và tìm cách để Mỹ rút quân khỏi Syria là những toan tính mới của Nga ở quốc gia này.