Phong trào biểu tình áo vàng tại Pháp đang chuẩn bị tổ chức đợt xuống đường toàn quốc lần thứ 6 vào ngày 22/12, nhưng bị chia rẽ về phương án biểu tình tại thủ đô Paris hay thành phố Versailles lân cận, theo AFP.

bieu_tinh_ao_vang_tjmm.jpg
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Paris hôm 16/11. Ảnh: AFP

Eric Drouet, một lãnh đạo phong trào áo vàng, đã trưng cầu ý kiến trên mạng xã hội. 1.400 người sẵn sàng biểu tình ở Versailles, trong khi 8.000 người tỏ ra "quan tâm". Điều này khiến chính quyền thành phố Versailles quyết định đóng cửa cung điện và  khu vườn hoàng gia, những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, nhằm tránh tình trạng bất ổn và nguy cơ bạo lực.

Nhiều cửa hàng tại Paris cũng ngừng hoạt động vào hai ngày cuối tuần để bảo vệ tài sản khỏi nạn cướp bóc, hôi của. Các cuộc biểu tình tiếp theo của phe áo vàng dự kiến diễn ra ở các thành phố lớn như Lyon, Toulouse, Orleans và Brittany.

Thượng viện Pháp hôm qua phê chuẩn một loạt biện pháp giúp đỡ người lao động nghèo và người về hưu, chỉ vài giờ sau khi kế hoạch được hạ viện thông qua. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tới thăm khu vực miền trung Haute-Vienne hôm 21/12 để thảo luận về sự bất mãn của người dân nông thôn với giới lãnh đạo. Nhiều người biểu tình hô khẩu hiệu "Macron từ chức" khi Thủ tướng Pháp xuất hiện.

Tại một số vùng khác, người biểu tình vẫn tiếp tục gây áp lực lên chính phủ. 14 người bị bắt ở vùng Pfastatt, miền đông nước Pháp, khi cố chặn đường vào nhà máy cung ứng linh kiện cho PSA Peugeot Citroen, nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai châu Âu.

Một góc cung điện Versailles. Ảnh: AFP.

Số lượng người biểu tình đã giảm đáng kể từ tuần trước, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhượng bộ, chấp nhận một số yêu cầu như bãi bỏ tăng thuế nhiên liệu và tăng lương cơ bản để xoa dịu người biểu tình. Những biện pháp này ước tính sẽ tốn 17 tỷ USD.

Phong trào biểu tình áo vàng diễn ra ở Pháp vào thứ Bảy hàng tuần từ ngày 17/11, với mục tiêu  yêu cầu chính phủ hủy  chính sách tăng thuế xăng dầu và cải thiện đời sống của người dân.

Đây được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đối diện trong nhiệm kỳ của mình. Bộ Nội vụ Pháp ước tính số lượng người tham gia biểu tình hôm 20/12 chưa tới 4.000, mức thấp nhất kể từ khi phong trào bắt đầu với 282.000 người./.