Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng, đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trên toàn cầu, khi nhiều người dân trên thế giới phải đối mặt với căng thẳng tâm lý nghiêm trọng.
Theo Liên Hợp Quốc, căng thẳng tinh thần trong đại dịch bao gồm nỗi sợ bị cô lập do giãn cách xã hội, bị lây nhiễm, tử vong hay mất đi người thân.
Các nhân viên y tế là đối tượng phải chịu nhiều căng thẳng và áp lực trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã |
“Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên và thiếu đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, dịch Covid-19 đang khiến các gia đình và cộng đồng gặp phải căng thẳng về tinh thần”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.
“Ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát, trạng thái tâm lý đau buồn, lo lắng và trầm cảm vẫn sẽ ảnh hưởng tới người dân trong cộng đồng”, ông Guterres nói thêm.
Tới nay, dịch Covid-19 đã khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 300.000 người tử vong trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đại dịch đã làm cho hàng triệu người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế, mất việc làm và thu nhập.
Ông Antonio Guterres đã kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu sắp xảy ra.
“Những người có nguy cơ dễ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần là các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, thanh thiếu niên và những người đã có sẵn vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ”, ông Guterres cho biết.
Bà Devora Kestel, Giám đốc Bộ phận Sức khỏe tâm thần thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các nhân viên y tế là đối tượng đang phải chịu nhiều căng thẳng và áp lực.
Nhiều nhóm đối tượng khác cũng phải đối mặt với những thách thức tâm lý do dịch Covid-19 mang lại. Trẻ em không được tới trường, cảm thấy lo lắng và không chắc chắn. Phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi cao hơn khi mọi người phải ở nhà trong thời gian dài.
Người cao tuổi và những người có bệnh nền, thuộc nhóm dễ bị tổn thương, phải đối mặt với căng thẳng trước nguy cơ nhiễm virus. Tình trạng của những người có vấn đề tâm lý từ trước có thể trở nên trầm trọng hơn khi việc điều trị thông thường và trị liệu trực tiếp không còn khả thi.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra khảo sát ở một số quốc gia cho thấy tình trạng căng thẳng thần kinh đang gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu thực hiện tại khu vực Amhara ở Ethiopia cho thấy 33% dân số có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, tăng gấp 3 lần so với trước khi đại dịch bùng phát, con số này là 45% tại Mỹ và 60% ở Iran. Tại Canada, gần một nửa số nhân viên y tế cho biết họ cần hỗ trợ về tâm lý.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các quốc gia cần tăng cường dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội và chăm sóc sức khỏe tinh thần khẩn cấp trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời cho biết trước dịch Covid-19, các quốc gia trung bình chỉ dành 2% ngân sách y tế công cộng cho việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần./.