Hơn 2 tuần qua, số ca mắc mới trong ngày ở Ấn Độ luôn ở mức 300.000, trong đó có 3 ngày hơn 400.000. Hôm qua (7/5), nước này ghi nhận 4.192 người tử vong vì Covid-19 – đây là một kỷ lục buồn mới.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vẫn lưỡng lự trong việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc do lo ngại thiệt hại từ việc đóng cửa kinh tế; trong khi quá trình tiêm chủng lại diễn ra một cách chậm chạp.
Thủ lĩnh phe đối lập của Ấn Độ Rahul Gandhi hôm 7/5 đã yêu cầu Thủ tướng gia hạn việc đóng cửa đất nước, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trên toàn quốc và theo dõi các biến thể mới một cách khoa học. Ông cảnh báo, nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 ở nước này không được kiểm soát sớm, cả thế giới sẽ bị đe dọa.
Còn Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Ấn Độ, bà Yasmin Haque cho biết: “Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ nên gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta. Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Các ca nhiễm Covid-19 đang tăng ở mức báo động trên khắp Nam Á, đặc biệt là ở Nepal, Sri Lanka và Maldives”.
Thực tế, tại Nepal, mỗi ngày qua đi, những kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày lại được xác lập, cao hơn nhiều lần so với tháng trước, gây ra tình trạng quá tải bệnh viên và thiếu oxy y tế. Các bác sĩ nước này cảnh báo, mọi người có thể chết ngay trên đường phố và “không thể ngay lập tức tăng công suất của bệnh viện”.
Tình hình dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Á cũng đang diễn biến khá phức tạp. Dù tình hình dịch tại Indonesia dù có dấu hiệu giảm hơn so với hồi tháng 1, song vẫn ở mức cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo, Indonesia có nguy cơ chứng kiến làn sóng dịch bệnh tương tự Ấn Độ nếu không kiểm soát chống dịch tốt trong kỳ lễ hội người đạo Hồi sau tháng lễ Ramadan - Eid al-Fitr sắp diễn ra.
Hiện Campuchia có tới 557 ca mắc trong cộng đồng trong 24 giờ qua, trong khi con số này ở Thái Lan là hơn 2.000 ca. Chính quyền vùng đô thị Bangkok - nơi đang là tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại Thái Lan, cam kết thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát tình trạng gia tăng các ca nhiễm trên địa bàn.
Tại Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng trở lại, buộc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương là Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto đến hết ngày 31/5. Ông Suga kêu gọi người dân Nhật Bản nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Các công sở ở Nhật Bản được khuyến khích giảm 70% số nhân viên làm việc trực tiếp. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi người dân ủng hộ chương trình tiêm vaccine của chính phủ.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 của thế giới phải tăng tốc để đối phó với các biến chủng mới và Mỹ đang tìm cách để hỗ trợ công cuộc này nhiều hơn nữa. Theo ông, nếu thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì đến năm 2024, việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới không thể hoàn tất./.