Con số do Cơ quan phòng vệ dân sự Italy công bố vào lúc 18h hàng ngày theo giờ địa phương cho thấy, có đến 168 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 10/3 trên toàn lãnh thổ Italy. Đây là con số cao kỷ lục, bằng với 36% tổng số nạn nhân thiệt mạng trước đó. Số ca nhiễm cũng giữ tốc độ tăng cao, thêm hơn 1.000 ca mới. Tổng cộng, đến hết ngày 10/3, Italy đã có 631 người thiệt mạng và 10.149 ca nhiễm bệnh.

khau_trang_o_italy_chong_covid_19_ropi_vvkl_gasb.jpg
Người phụ nữ đeo khẩu trang ở Italy để phòng lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Ropi.

Số ca nhiễm trên thực tế có thể còn cao hơn vì giới chức y tế Italy cho biết vùng Lombardy, ổ dịch lớn nhất nước này, vẫn chưa cung cấp số liệu đầy đủ. Nhằm trấn an dân chúng Italy, Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, Angelo Borelli cho biết trong một vài ngày tới, các thiết bị y tế sẽ được tăng cường dồn dập cho các bệnh viện tại tất cả các địa phương

 “300.000 khẩu trang đã được chúng tôi chuyển đến các nơi trong ngày 10/3 và 1 triệu cái khác sẽ tiếp tục được phân phối trong ngày 11/3. Chúng tôi cũng sẽ có thêm nhiều máy 2.264 máy trợ thở cho các phòng điều trị tăng cường”, ông Angelo Borelli nói.

Cũng trong các số liệu thống kê về thành phần bệnh nhân được Italy công bố, những người dễ nhiễm bệnh nhất tại nước này nằm trong độ tuổi từ 60-80 tuổi, chỉ có khoảng 5% người nhiễm bệnh dưới 30 tuổi.

Một thông tin đáng chú ý khác được Viện Y học cấp cao Italy đưa ra cho biết, các điều tra dịch tễ cho thấy dịch Covid-19 hiện nay tại Italy không phải do các bệnh nhân mang trực tiếp virus về từ Trung Quốc. Giới chức y tế cho rằng trước khi dịch bùng phát tại thành phố nhỏ Codogno ở vùng Lombardy thì nước này đã có những bệnh nhân dương tính nhưng không bị phát hiện.

Trước đó, trong sáng ngày 10/3, dịch Covid-19 đã chính thức xuất hiện tại toàn bộ 27 nước thành viên EU sau khi đảo Síp công bố 2 ca dương tính đầu tiên. Trong hai ngày qua, Tây Ban Nha chứng kiến số ca nhiễm bệnh gia tăng chóng mặt và đã vượt qua Đức để trở thành ổ dịch lớn thứ 3 tại châu Âu với 1622 ca nhiễm bệnh và 35 nạn nhân thiệt mạng.

Trước các chỉ trích gay gắt từ công chúng Tây Ban Nha về việc phản ứng chậm trễ với dịch bệnh, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phải ra quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học ở các vùng dịch lớn, trong đó có thủ đô Madrid, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 11/3. Toàn bộ các chuyến bay nối Tây Ban Nha với Italy cũng sẽ bị hoãn đến ít nhất là ngày 25/3. Các sự kiện thể thao sẽ phải diễn ra trong không gian không có khán giả trong vòng 2 tuần.

Tại Đức, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đến hết ngày 10/3 là 1281 ca. Trong khi chờ đợi khả năng tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 50 tỷ euro, chính phủ Đức trước mắt sẽ chi thêm 1 tỷ euro để chống dịch. Tại Hà Lan, nước láng giềng nằm ngay cạnh bang Bắc Rhine-Westphalia là tâm dịch tại Đức, số ca nhiễm cũng đã tăng lên 382 ca. Đã có 4 bệnh nhân tử vong tại Hà Lan, đưa nước này thành ổ dịch lớn thứ 5 tại châu Âu.

Tại Anh, có thêm 1 nạn nhân tử vong và 54 ca nhiễm mới trong ngày và hiện có tổng cộng 373 ca mắc virus SARS-CoV-2. Hai hãng hàng không British Airways và Ryan Air quyết định huỷ toàn bộ các chuyến bay đến Italy. Giới chức y tế Anh nhận định dịch Covid 19 tại nước này sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới, với số ca nhiễm lên tới vài nghìn./.