Cộng hòa Séc và Ba Lan về mỏ than Turow vừa được tiến hành các cuộc đàm phán kỹ thuật của các nhóm chuyên gia nhằm giải quyết các vấn đề chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao vào tuần tới.
Trước đó, Cộng hòa Séc đã đưa vấn đề khai thác than tại mỏ Turow ra Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu vào tháng 2/2021. Sau đó, Tòa án Công Lý của EU đã có quyết định ngừng khai thác than tại Turrow tuy nhiên Ba Lan đã vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác than tại khu vực này và đề nghị phía Séc rút đơn kiện.
Cộng hòa Séc cũng yêu cầu EU phạt Ba Lan 5 triệu euro/ngày vì vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác tại mỏ than này sau quyết định tạm dừng khai thác của Tòa án Công lý châu Âu. Trong bối cảnh Ba Lan đang tìm cách yêu cầu Séc rút đơn kiện, các cuộc đàm phán song phương về một thỏa thuận bồi thường tài chính và cải tiến kỹ thuật để bảo vệ môi trường khu vực xung quanh mỏ than nhưng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động khai thác được đánh giá là khó khăn đối với cả hai bên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Môi trường Séc cho biết, các cuộc đàm phán đã trở nên hiệu quả hơn sau khi họ được chia thành ba nhóm chuyên gia xem xét tác động liên quan tới các vấn đề không khí, tiếng ồn và nguồn nước tại khu vực này. Dự kiến, kết luận sẽ được đưa ra vào ngày 16/7, làm cơ sở cho các cuộc họp cấp cao vào tuần tới. Về phía Ba Lan, đại diện Bộ Khí hậu nước này cũng cho biết kết quả của các nhóm công tác sẽ quyết định tiến trình đàm phán tiếp theo.
Ba Lan sản xuất khoảng 70% điện năng từ than đá và là quốc gia EU duy nhất vào năm 2019 không cam kết thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính của khối xuống 0 vào năm 2050. Từ tháng 4/2021, Ba Lan đã gia hạn nhượng quyền khai thác cho mỏ than Turow đến năm 2044 và đang từng bước tìm giải pháp để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường./.