Theo tờNew York Times, thông tin trên được các chuyên gia vũ khí và hàng không xác nhận và nhấn mạnh rằng điều này càng củng cố giả thuyết rằng máy bay MH17 đã bị một quả tên lửa đất đối không bắn hạ.
Các mảnh vỡ máy bay có những lỗ nhỏ này được tìm thấy cách nơi chiếc máy bay rơi khoảng vài dặm.
Một nhà phân tích đến từ công ty tư vấn quốc phòng IHS Jane’s cho biết hình ảnh của các mảnh vỡ nói trên cho thấy “chiếc máy bay có thể bị phá hủy bởi một tên lửa siêu thanh đã phát nổ ngay gần máy bay khi nó đang bay ở độ cao trên 10km”.
Các chuyên gia đạn đạo học nói rằng, trong khi vẫn chưa thể khẳng định được chính xác tên lửa này là loại gì, những vết lỗ chỗ trên thân máy bay, những vệt sơn bị trầy xước và những vế lõm nhỏ nhìn qua tưởng như những vết đạn này thực ra hoàn toàn trùng khớp với những gì một quả tên lửa đất đối không như SA-11 của Nga để lại.
Trong khi đó, những bức ảnh do nhà phân tích quân sự Jusstin Bronk đăng trên trang Tweeter của ông lại cung cấp thêm những lý giải khác về việc máy bay MH17 đã bị bắn hạ như thế nào.
“Những lỗ nhỏ có thể nhìn được bằng mắt thường trên thân máy bay cho thấy nó được gây ra từ một vật bên ngoài đâm xuyên vào bên trong máy bay”, Reed Foster một nhà phân tích tại IHS Jane’s cho biết.
Tên lửa SA-11- loại tên lửa được cho là đã bắn hạ máy bay MH17, đã khiến áp suất trong buồng lái của máy bay giảm mạnh khi nó nổ gần máy bay, thay vì đâm thẳng vào máy bay và tỏa ra lượng nhiệt rất lớn. Điều này lý giải cho việc hình thành lên những lỗ nhỏ trên thân máy bay.
Những lỗ lớn hơn là do việc áp suất giảm mạnh khiến thân máy bay bị nát tan ra trên không trung ở độ cao 10km.
Theo tờ New York Times, mỗi quả tên lửa SA-11 đều chứa gần 21kg thuốc nổ nén chặt. Loại vũ khí này được thiết kế bởi Liên Xô nhằm bắn hạ những máy bay quân sự bay rất nhanh.
“Những lỗ nhỏ trên thân máy bay giống như là bị phá hủy bởi các mảnh của một quả tên lửa. Việc quả tên lửa này đã bắn trúng khoang lái thay vì vào động cơ máy bay cũng cho thấy đây là tên lửa được radar dẫn đường thay vì là tên lửa tầm nhiệt”, ông Stephan Fruhling, chuyên gia đạn đạo học và giảng viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia tại Canberra cho biết./.