Động thái của Triều Tiên khi trao trả hài cốt lính Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên được Tổng thống Trump khen ngợi như một minh chứng cho việc quốc gia này giữ lời hứa. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra cảnh báo không nên coi hành động này là một bước quan trọng trong các cuộc hội đàm để thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến đến quá trình phi hạt nhân hóa.

a1_qkce.jpg
Tổng thống Trump khen ngợi việc Triều Tiên trao trả hài cốt lính Mỹ và cảm ơn ông Kim Jong Un đã "giữ lời hứa". Ảnh: CNN

Các chuyên gia nhận định rằng trong quá khứ, Triều Tiên cũng từng trao trả hài cốt các binh lính cho Mỹ để đạt được một vị trí nhất định trên trường quốc tế. Gần đây, việc quốc gia này trao trả 55 bộ hài cốt lính Mỹ được cho là một công cụ đàm phán nhằm giúp Bình Nhưỡng duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền Tổng thống Trump.

"Tôi cho rằng Triều Tiên đã nhận ra đây là một vấn đề rất nhạy cảm với tất cả người Mỹ và họ muốn dùng việc trao trả hài cốt binh lính Mỹ như một cách để đạt được những kết quả mà họ mong muốn", Harry Kazianis - giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ cho biết.

Bruce Klingner, cựu trưởng đại diện CIA tại Hàn Quốc hiện làm việc tại Quỹ Di sản cũng đồng quan điểm khi tin rằng Triều Tiên vẫn giữ hàng trăm bộ hài cốt lính Mỹ và họ chỉ trao trả "nhỏ giọt" từng đợt như một chiêu bài đàm phán.

Ông chỉ ra một sự thật rằng Triều Tiên chỉ trao trả 55 bộ hài cốt lính Mỹ một vài tuần sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore và khẳng định trong khi Mỹ "biết ơn vì có thể đưa hài cốt của các binh lính hồi hương cùng gia đình họ thì đây chỉ là một động thái nhằm đạt được lợi ích của Triều Tiên".

Các quan chức của Lầu Năm Góc tuyên bố ngày 2/8 rằng họ không biết Triều Tiên vẫn còn giữ bao nhiêu bộ hài cốt của binh lính Mỹ. "Chúng tôi không chắc tại sao lại là con số 55. Chúng tôi cũng không rõ họ đã giữ bao nhiêu bộ hài cốt", ông Kelly McKeague - Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Khoảng 7.700 lính Mỹ vẫn mất tích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 - 1953 và Lầu Năm Góc cho rằng có 5.300 người trong số đó vẫn còn ở Triều Tiên. Hơn 36.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.

Lần cuối Bình Nhưỡng tiến hành trao trả 6 bộ hài cốt cho Mỹ là vào năm 2007 trong thời Triều Tiên và các quốc gia khác thảo luận về việc đóng cửa lò phản ứng Yongbyon để đổi lấy những gói cứu trợ về kinh tế và dầu mỏ.

Việc trao trả thêm các bộ hài cốt lính Mỹ diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim vào tháng 6/2018 và Triều Tiên cuối cùng cũng đã đồng ý phi hạt nhân hóa nhằm đổi lại những đảm bảo an ninh nhất định từ phía Mỹ.

Ông Trump lúc đầu tuyên bố vào tháng 6 rằng Triều Tiên sẽ trao trả 200 bộ hài cốt nhưng cuối cùng Mỹ chỉ nhận được 55 bộ hài cốt tại Hawaii.

Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng tuyên bố trên truyền thông ngày 2/8 rằng tất cả những bộ hài cốt được trao trả "dường như là người Mỹ" nhưng vẫn chưa được xác minh rõ ràng vì Australia và Anh cũng gửi quân đội đến chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Vào tuần trước, Tổng thống Trump đã khen ngợi việc Triều Tiên trao trả hài cốt lính Mỹ và cảm ơn ông Kim Jong Un đã "giữ lời hứa".

“Tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Kim vì đã giữ lời hứa và bắt đầu quá trình trao trả hài cốt những binh lính Mỹ. Tôi không lấy làm bất ngờ khi ông hành động như vậy", ông Trump viết trên Twitter.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang quan sát quá trình dỡ bỏ các bãi thử tên lửa tại Triều Tiên theo các cam kết của ông Kim tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6/2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo khẳng định với các thượng nghị sĩ vào tuần trước rằng Triều Tiên đang sản xuất các nguyên liệu cần thiết để chế tạo bom nguyên tử.

Ngày 3/6, ông Pompeo đã tuyên bố với phóng viên rằng "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa.

Ông Klinger thì chỉ ra rằng việc trao trả hài cốt "không liên quan gì đến tiến trình phi hạt nhân hóa" và Triều Tiên sẽ "cố gắng để đổi lại thứ gì đó" từ phía Mỹ.

"Việc trao trả hài cốt, đóng cửa bãi thử hạt nhân hay đóng cửa bãi thử tên lửa đều là những động thái tích cực nhưng không phải là một cách thích hợp để thực sự phi hạt nhân hóa", ông nhận định./.