Nguy cơ vũ khí hạt nhân được đưa vào sử dụng đang ở mức cao nhất từ Thế chiến 2, một chuyên gia an ninh cấp cao của Liên Hợp Quốc nhận định ngày 21/5, đồng thời gọi đây là vấn đề "cấp bách" mà thế giới cần xem xét nghiêm túc hơn.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở mức cao nhất từ Thế chiến 2. Ảnh: Reuters |
Renata Dwan - Giám đốc Viện Nghiên cứu Giải trừ vũ khí Liên Hợp Quốc (UNIDIR) cho rằng tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang tiến hành các chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, trong khi các thỏa thuận kiểm soát vũ trang thì đang thay đổi, chủ yếu là do sự canh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các hiệp ước kiểm soát vũ trang truyền thống đang dần bị loại bỏ bởi vì các kiểu chiến tranh mới với sự tăng lên của các nhóm vũ trang, các lực lượng tư nhân và các công nghệ mới đang xóa nhòa ranh giới giữa phòng thủ và tấn công, bà Renata Dwan nhận định với báo giới ở Geneva, Thụy Sĩ.
Do các cuộc trao đổi về giải trừ quân bị "dậm chân tại chỗ" trong 2 thập kỷ qua, 122 nước đã ký một hiệp định nhằm cấm các loại vũ khí hạt nhân, một phần là vì lo ngại và một phần là bởi nhận thức được các nguy cơ của loại vũ khí này.
"Tôi cho rằng chúng ta cần nhận ra rằng nguy cơ của chiến tranh hạt nhân hiện vẫn đặc biệt cao và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân thậm chí còn cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Thế chiến 2".
Hiệp ước cấm các loại vũ khí hạt nhân là sáng kiến của Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã giành giải Nobel năm 2017.
Hiệp ước này đến nay đã đạt được 23/50 quyết định phê chuẩn để đi vào hiệu lực, trong đó có Nam Phi, Áo, Thái Lan, Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên, hiệp ước này bị Nga, Mỹ và một số quốc gia sở hữu hạt nhân khác phản đối mạnh mẽ.
Cuba cũng đã thông qua Hiệp ước này năm 2018, 56 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba từng suýt đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bà Dwan khẳng định rằng thế giới không nên bỏ qua sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.
"Chúng ta suy nghĩ và hành động trước các nguy cơ đó như thế nào với tôi, là một câu hỏi vô cùng quan trọng và cấp thiết mà chưa thực sự được phản ánh đầy đủ ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”./.