Sau quá trình 3 năm đệ đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết dài 497 trang khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý, đồng thời bác bỏ các “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, 5 năm sau phán quyết đến nay, Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối tuân thủ phán quyết. Tại hội thảo trực tuyến quốc tế cấp cao lần thứ 4 với chủ đề: “Sự phát triển tình hình Biển Đông hướng tới hòa bình và an ninh khu vực: Quan điểm của ASEAN” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Indonesia tổ chức ngày 8/7 vừa qua, ông Veeramalla Anjaiah, Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Indonesia cho rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, hành vi gây hấn của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của các nước ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.

Ông Veeramalla Anjaiah đưa ra dẫn chứng, vào tháng 3/2021, hơn 200 tàu cá Trung Quốc tập trung kéo dài tại khu vực Đá Ba Đầu [thuộc cụm Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam]. Ngày 31/5, 16 máy bay Trung Quốc xâm phạm vào không phận Malaysia ở Bang Sarawak.

Trước đó, tháng 4/2020, Trung Quốc chĩa súng radar vào Hải quân Philippines trên Biển Đông. Hay vào cuối năm 2019, tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Indonesia khẳng định, tất cả những hành động này của Trung Quốc đều vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và chủ quyền của các nước trong khu vực.

Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc ASEAN cần phải đoàn kết để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một bên ký kết. Đồng thời, ASEAN phải nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) một cách thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý phù hợp với UNCLOS".

Trong khi đó, ông Mohammad Anthoni, nhà báo cao cấp hãng thông tấn Antara của Indonesia trong bài viết “Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng” nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa trọng tài cũng đề cập: “Việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự và hiện diện ở Biển Đông có khả năng đe dọa sự ổn định, tự do hàng hải quốc tế và an ninh khu vực. Những hành động của Trung Quốc ngày càng leo thang trên Biển Đông trong những năm gần đây sau quyết định của Tòa Trọng tài hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông".

Nhà báo cấp cao của Indonesia Mohammad Anthoni cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển đông (COC) toàn diện, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn chặn xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển. Biển Đông là cửa ngõ nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có quan hệ mật thiết với các nước ASEAN nên việc duy trì môi trường hòa bình ở các vùng biển này là rất quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông kêu gọi ASEAN tăng cường đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, đồng thời nỗ lực hơn nữa để tăng cường đối thoại và tham vấn với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc với tư cách là một cường quốc trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS và PCA./.