Tuyên bố về việc hình thành AUKUS, cơ chế an ninh, quân sự mới giữa Australia, Anh và Mỹ ngày hôm qua (16/9) khiến cả thế giới bất ngờ. Mặc dù 3 nước này chưa từng có cơ chế hợp tác riêng song Australia, Anh và cả Mỹ đều đang là thành viên của nhiều cơ chế hợp tác đang phương khác đã khiến dư luận đặt câu hỏi đâu là lý do dẫn đến việc 3 nước này hình thành nên cơ chế hợp tác an ninh-quân sự mới. Theo các chuyên gia Australia, Trung Quốc chính là lý do dẫn đến điều này.
Trong tuyên bố chung về việc hình thành AUKUS giữa 3 nước Australia, Anh và Mỹ không bất kỳ từ nào nhắc đến Trung Quốc nhưng nhiều nhà quan sát tại Australia đều cho rằng, Trung Quốc chính là lý do để 3 nước này đẩy mạnh quan hệ an ninh-quốc phòng trong khuôn khổ cơ chế mới.
Trung tướng Peter Leahy, nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Australia cho hay, Trung Quốc chính là động lực để Australia cùng với Anh và Mỹ tạo dựng cơ chế mới để làm cơ sở cho hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa 3 nước này: “Đúng là như vậy, chúng ta không thể nói khác. Chúng tôi không mang điều này đến cho Trung Quốc mà là họ tự gánh lấy. Đây là vấn đề quyền lực mềm. Quyền lực mềm của Trung Quốc trong khu vực đang suy giảm do cách mà họ ứng xử ở Biển Đông, cách mà họ cản trở thương mại với chúng tôi, cũng như mà cách họ ứng xử với Philippines, Indonesia và các quốc gia khác đã khiến chúng tôi phải hành động. Và điều thú vị là khu vực và thế giới đang cùng với nhau làm điều này”.
Trả lời câu hỏi phóng viên VOV thường trú tại Australia về ý nghĩa của việc hình thành AUKUS, ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho biết, Trung Quốc chính là lý do dẫn đến động thái này.
“Động thái này được coi là sự công nhận của các bên rằng Trung Quốc là thách thức với nhiều quốc gia chứ không chỉ là thách thức đối với Mỹ hay với Australia. Cách thức mà Trung Quốc hành xử đang biến nước này trở thành thách thức với tất cả các nước và đó là lý do dẫn đến việc Mỹ, Anh và Australia hình thành cơ chế mới. Đồng thời điều này cũng được thể hiện qua việc Australia chuyển sang hợp tác với Anh và Mỹ trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân”.
Ông Michael Shoebridge cũng cho hay, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cho môi trường chiến lược của khu vực thay đổi, vì thế, Australia đã đảo ngược quyết định đưa ra năm 2016 và chuyển sang kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân, dự án đầu tiên giữa Australia với Anh và Mỹ trong khuôn khổ AUKUS.
Cùng chung quan điểm này, ông Jeff Bleich, cựu Đại sứ Mỹ tại Australia cho rằng, Trung Quốc chính là một trong những lý do khiến Australia chuyển sang sử dụng tàu ngầm hạt nhân: “Rõ ràng nó tập trung vào việc đảm bảo tự do đi lại trên biển, vấn đề mà nhiều năm qua không giải quyết được. Đó là việc Trung Quốc đơn phương cố gắng duy trì kiểm soát toàn bộ Biển Đông và thái độ hung hăng để độc chiếm nó. Như vậy Trung Quốc chính là một phần của lý do”.
Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước việc ba nước Australia, Anh và Mỹ thiết lập cơ chế an ninh mới. Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, động thái mới này là “mối đe dọa cực kỳ vô trách nhiệm” đối với khu vực. Ông Triệu Lập Kiên cũng cho hay, thỏa thuận này “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực và thúc đẩy chạy đua vũ trang”.
Australia, Anh và Mỹ không bất ngờ trước phản ứng của Trung Quốc song rõ ràng với những căng thẳng đang diễn ra trong quan hệ song phương của Trung Quốc với từng quốc gia này thì việc 3 nước cùng ngồi lại với nhau chính là cách để Ausrtralia, Anh và Mỹ tìm tiếng nói và nỗ lực chung trong cách ứng xử với Trung Quốc./.