is_hoan_luong_8_siga.jpg
Cả Amar Hussein, 22 tuổi, và Ghaffar Abdel Rahman, 31 tuổi, đều bị bắt trong một trận giao tranh ở thành phố Kirkuk tháng 10/2016 làm 99 dân thường và thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong khi có 63 tay súng IS bị tiêu diệt.
Amar Hussein khai đã từng cưỡng bức hơn 200 phụ nữ thuộc các cộng đồng người thiểu số ở Iraq và tỏ ra có chút hối hận. Chia sẻ với Reuters, Hussein còn cho rằng điều này là “bình thường” vì “mọi thanh niên đều cần điều đó”.
Hussein cho biết các “Tiểu vương” của Vương quốc Hồi giáo, tức các chỉ huy của IS, đã “bật đèn xanh” cho anh ta và các tay súng khác cưỡng hiếp bao nhiêu phụ nữ người Yazidi tùy thích. 
Hussein bị che đầu và mặt khi được áp tải về buồng giam. Tay súng này cho biết giai đoạn IS giành được nhiều vùng lãnh thổ, anh ta từng đi hết nhà này qua nhà khác để cưỡng hiếp những phụ nữ tộc Yazidi và những người thiểu số khác. Quan chức an ninh người Kurd cho biết họ có bằng chứng về hành vi cưỡng hiếp và giết chóc của Hussein nhưng không rõ quy mô vụ việc đến đâu.

Hussein thì cho biết anh ta đã giết khoảng 500 người kể từ khi gia nhập IS năm 2013. Tay súng này cho biết: “Chúng tôi bắn bất cứ ai thấy cần phải bắn và chặt đầu bất cứ ai thấy cần phải chặt đầu”.

Chỉ khi vào đến phòng giam của mình, Amar Hussein mới được tháo còng tay. Hussein cho biết anh đọc kinh Koran cả ngày trong phòng giam nhỏ bé của mình để trở thành một người tốt hơn. 

Những khẩu hiệu tôn giáo được khắc trên bức tường xi măng trong phòng giam của các tù nhân thánh chiến. Bắt đầu “sự nghiệp” thánh chiến cùng al Qaeda từ năm 14 tuổi rồi đến IS, Hussein giờ chỉ còn lại 1 tấm chăn và 1 quyển kinh Koran.

Hussein cho rằng mình là nạn nhân của sự hà khắc, sản phẩm của một gia đình tan vỡ và một quê hương đói nghèo ở Mosul. Hussein chia sẻ: “Tôi không có tiền, không có ai khuyên bảo cái gì đúng cái gì sai, không việc làm. Tôi có bạn nhưng không ai có thể cho tôi lời khuyên”.

Trong khi đó, Ghaffar Adel Rahman, một tay súng IS khác lại được các sỹ quan chống khủng bố miêu tả là kín kẽ hơn.

Anh ta chia sẻ rất ít về những kinh nghiệm khi làm tay súng tuần tra và lo hậu cần cho IS.

Abdel Rahman thừa nhận từng nổ súng vào lực lượng an ninh trong trận chiến ở Kirkuk song chối cãi việc thực sự giết ai. 

Anh ta cho biết đã cùng anh trai tham gia IS vì nếu không, với tư cách là nhân viên nhà nước, họ sẽ bị tổ chức khủng bố này giết.

Tuy nhiên, các quan chức Iraq thường nghi ngờ lời khai của những tay súng IS nói rằng họ không có sự lựa chọn nào khác như Abdel Rahman.

Abdel Rahman chỉ thể hiện sự giận dữ khi được hỏi về Thủ tướng người Shi’ite của Iraq, ông Haider al-Abadi.

Abdel Rahman cho rằng ông Haider không đem lại sự công bằng cho tất cả người dân Iraq.