TheoSputnik News, tuyên bố trên được cựu nhân viên CIA Fred Fleitz đưa ra kèm theo lời khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ ở Iraq và Syria không thể được gọi là “chính sách” bởi nó không giúp 2 nước này thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay.

obama_ujsh.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP

Theo ông Fleitz, có vẻ như Tổng thống Obama sẽ để lại đống hỗn loạn này cho người kế vị mình.

Chính quyền của ông Obama đã 2 lần tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách của mình liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria và cuộc chiến chống IS chỉ trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, ông Fleitz nhận định, cả hai lần, những thay đổi này đều nhằm “đánh bóng lại” danh tiếng của Chính phủ Mỹ sau khi đã bị tổn hại ít nhiều. Trong cả hai lần đó, cộng đồng thế giới đều coi những thay đổi này là bằng chứng cho thấy sự yếu kém và thiếu quyết đoán của Mỹ.

Lần thay đổi lớn đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ là trong bài phát biểu của ông Obama ngày 10/9/2014, sau khi IS liên tục tiến hành các vụ hành quyết công khai.

Tại thời điểm đó, ông Obama tuyên bố đã sẵn sàng để có thể giành được thắng lợi hoàn toàn trước IS bằng các cuộc không kích của Mỹ vào các vị trí của chúng tại Syria và Iraq cùng với việc Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí cho phe đối lập ôn hòa.

“Thất bại trong sự thay đổi chính sách hồi tháng 9/2014 là hiển nhiên ngay sau khi chính sách này được thực thi. Những cuộc không kích thiếu hiệu quả của Mỹ tại Syria không giúp ngăn đà trỗi dậy của IS.

Không những thế, tại Iraq, IS cũng chiếm được thành phố chiến lược Ramadi vào tháng 5 vừa qua bất chấp việc phải chiến đấu với tỉ lệ 1 chọi 10 với quân đội Iraq. Sau đó, quân đội Iraq và lực lượng người Kurd tại nước này lại đòi hỏi Mỹ phải cung cấp thêm vũ khí cho mình trong khi Mỹ vẫn lặng yên”, ông Fleitz nói.

Dấu hiệu tiếp theo cho thấy chính sách của ông Obama thất bại đến vào năm cuối năm 2015 sau khi chương trình huấn luyện và trang bị cho phe đối lập ôn hòa tại Syria trị giá 500 triệu USD của nước này thất bại.

Cùng thời điểm đó, vào ngày 30/9, Nga bắt đầu các cuộc không kích của mình vào các vị trí của IS tại Syria và Iran cũng tham gia vào liên minh chống IS này cùng Nga.

“Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn phớt lờ Tổng thống Obama khi ông ta đưa Không quân vào Syria”, ông Fleitz nói: “Nga, Syria, Iraq và Iran đã ký hiệp định chia sẻ thông tin tình báo. Các nhà lập pháp Iraq thậm chí còn yêu cầu Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS tại nước này”.

Phản ứng của Tổng thống Obama đối với sự thất bại này lại là một sự thay đổi chính sách ngoại giao khác, và có thể gây ra hệ lụy tồi tệ hơn so với chính sách ban đầu. Dù không có chiến lược nào rõ ràng, Tổng thống Mỹ Obama vẫn quyết định đưa khoảng 50 đặc nhiệm Mỹ vào Syria.

Sau đó, lại có thông tin rằng, nhóm đặc nhiệm này của Mỹ có nhiệm vụ ủng hộ các chiến binh người Kurd, vốn có lợi ích riêng của mình tại Syria thay vì chỉ chiến đấu chống IS. Ngoài ra, việc hỗ trợ nhóm người Kurd này của Mỹ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ kết sức tức giận.

Nhiều đồng minh của Mỹ đã bắt đầu hiểu rằng, “chính sách” của ông Obama chỉ là nhằm “câu giờ” cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Lúc đó, ông ta có thể nói rằng, mình “đã cố” làm gì đó để giải quyết tình hình, ông Fleitz nói, và điều đó khiến cán cân quyền lực trong khu vực thay đổi nhanh chóng.

“Nga đang lấp đầy khoảng trống quyền lực này và xây dựng lên một liên minh mới với Iraq, Iran và Syria”, ông Fleitz nói thêm: “Ngoài ra, Nga cũng đã cải thiện được mối quan hệ với Ai Cập và Israel”.

Theo ông Fleitz, sự trì trệ của ông Obama trong cuộc chiến chống khủng bố có thể khuyến khích các nhóm khủng bố tiến hành một vụ khủng bố tiếp theo như vụ 11/9./.