Hội đồng Quân sự chuyển tiếp tại Sudan vừa mới được thành lập đã phải thay thế người đứng đầu; nhiều quan chức quân đội đã buộc phải từ chức, trong khi kế hoạch chuyển tiếp của Hội đồng Quân sự cũng có nguy cơ bị lay chuyển.

tuong_sudan_mahi_accp.jpg
Tướng Mahi. Ảnh: Tân Hoa xã.

Chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố rời khỏi vị trí Người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibn Auf hôm 14/4 đã buộc phải từ chức. Trong khi, cấp Phó của ông, Tham mưu trưởng quân đội Sudan, Tướng Kamal Abdel Marouf Al Mahi cũng có 1 cái kết tương tự.

Người phát ngôn Hội đồng Quân sự, Trung Tướng Shams El Din Kebashy cho biết: “Trong bối cảnh sắp xếp lại trật tự, một số quyết định đã được ban hành. Đầu tiên là miễn nhiệm đối với Tướng Awad Ibn Auf. Dù đã rời bỏ vị trí người đứng đầu Hội đồng Quân sự, song Tướng Auf vẫn phục vụ quân đội. Quyết định này sẽ miễn các chức vụ của Tướng Auf và cấp Phó của ông ấy - Tham mưu trưởng quân đội Sudan, Tướng Abdel Marouf Al Mahi – người cũng từng tham gia vào Hội đồng Quân sự”.

Tuy nhiên, Hội đồng Quân sự không nêu rõ ai là người tiếp theo sẽ đảm nhiệm các chức vụ quan trọng này. Ngoài ra, Tướng Tình báo Salah Gosh cũng bị thay thế bởi Trung tướng Abu Bakr Mustafa. Các đại sứ Sudan tại Mỹ và Thụy Sĩ cũng đã bị cách chức. Trong khi đó, toàn bộ những binh sĩ và cảnh sát tham gia biểu tình đều sẽ được trả tự do. 

Loạt quyết định mới của Hội đồng Quân sự Sudan được đưa ra ngay sau cuộc họp giữa Hội đồng và các tổ chức kêu gọi biểu tình, diễn ra trước đó cùng ngày. Với việc 1 loạt các quan chức “chóp bu”, từng tham gia trấn áp làn sóng biểu tình, phải từ chức; cùng việc gỡ bỏ lệnh giới nghiêm và cam kết sẽ truy cứu trách nhiệm tới cùng những người có hành vi sát hại dân thường, Hội đồng Quân sự Sudan đang chứng tỏ “thiện ý” sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với người dân và người biểu tình.

Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa thể qua đi với những người nắm vai trò lãnh đạo đất nước Sudan thời điểm hiện tại. Người biểu tình sẽ vẫn xuống đường tuần hành trong những ngày tới, để “hoàn thành chiến thắng lịch sử cho 1 cuộc cách mạng lịch sử”. Đó là quyết tâm thay đổi thời hạn 2 năm chuyển tiếp mà Hội đồng Quân sự đề ra để có thể thành lập 1 chính quyền dân sự.

Với họ, đó là quãng thời gian quá dài và 1 chính quyền dân sự cần phải được thành lập sớm để điều hành các công việc của đất nước. Và 1 đề xuất trước mắt là các đại diện dân sự nên được tham gia vào Hội đồng Quân sự để điều hành 1 số công việc của đất nước, còn các lực lượng an ninh và quân sự chỉ nên đảm nhiệm vai trò đảm bảo an ninh và duy trì trật tự .

Hôm qua (14/4), Hội đồng Quân sự đã bày tỏ sẵn sàng phối hợp với các nhóm dân sự để thành lập một chính phủ dân sự mới, với sự tham gia của tất cả các bên. Theo đó, đại diện của những người biểu tình và phe đối lập có 1 tuần để đưa ra những kiến nghị của mình.

Hiện Bộ Ngoại giao Sudan cũng ra lời kêu gọi quốc tế ủng hộ các bước đi của Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan và không nên thúc ép nước này về quá trình chuyển tiếp. Nhiều nước lớn đã có những phản ứng tích cực, khi đưa ra lời kêu gọi Sudan chuyển tiếp một cách hòa bình. Tuy nhiên, 1 số quốc gia châu Âu vẫn muốn Sudan thành lập 1 chính quyền dân sự sớm, trong khi một số quốc gia Arab đã bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp của Hội đồng Quân sự Sudan. Quốc vương Saudi Arabia Salman mới đây cũng đã chỉ đạo các Bộ nước này, thực hiện 1 gói viện trợ nhân đạo tới người dân Sudan, trong bối cảnh tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực./.