Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tạm lắng sau khi 2 bên đạt được một thỏa thuận mà trong đó hướng tới mục tiêu không áp thuế, không rào cản và không bảo hộ, đồng thời nhất trí tránh làm leo thang căng thẳng trong tranh chấp thương mại. Mặc dù được xem là bước tiến lớn đạt được sau nhiều tuần căng thẳng, song vẫn có không ít ý kiến trái chiều về thỏa thuận này.

trump_juncker_xnvd.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Ảnh: AP)

Theo thỏa thuận vừa đạt được, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhất trí rằng, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ giảm bớt rào cản và đẩy mạnh hoạt động trao đổi các mặt hàng thép, nhôm, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm y tế… Liên minh châu Âu cũng đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng về việc mua đậu nành và khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Ngoài ra, hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tìm ra giải pháp cho mức thuế đối với các mặt hàng kim loại mà Mỹ đã áp đặt trước đó.

Ngay sau khi Mỹ và EU bất ngờ đạt được thỏa thuận kể trên, Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã lập tức lên tiếng hoan nghênh sáng kiến của người đứng đầu nước Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo châu Âu Juncker nhằm cắt giảm hàng rào thuế quan, tăng cường thương mại và đầu tư.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá cao việc EU đạt được thỏa thuận với Mỹ, khẳng định điều này minh chứng cho sức mạnh của một EU đoàn kết. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khen ngợi kế hoạch của Mỹ-EU là một bước đột phá giúp tránh được nguy cơ chiến tranh thương mại và bảo vệ hàng triệu việc làm.

Phía Trung Quốc thì bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và EU sẽ phù hợp với các quy tắc thương mại đa phương.

 “Mỹ và Liên minh châu Âu là những nền kinh tế quan trọng và là các đối tác thương mại” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh. “Nếu hai bên có thể giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và đàm phán, theo xu hướng toàn cầu hóa, thúc đẩy tự do hoá cũng như chống lại chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ, thì điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của cả hai bên, mà còn là một điều tốt cho thế giới”.

Ông Cảnh Sảng cũng bày tỏ hy vọng rằng, “những nỗ lực và động thái của Mỹ và EU sẽ tuân thủ các quy tắc thương mại đa phương, ví dụ như nguyên tắc không phân biệt đối xử”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi mặc dù thừa nhận thỏa thuận kể trên là một tín hiệu tích cực, nhưng khẳng định hiện còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của thỏa thuận thương mại Mỹ-EU. Vị quan chức này đồng thời cảnh báo rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giám đốc chương trình kinh tế toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Bart Oosterveld thì nhận định, một khi vẫn còn tồn tại rào cản lớn chưa thể vượt qua, cụ thể là việc thuế thép và nhôm vẫn chưa được Mỹ gỡ bỏ, thì việc đạt một thỏa thuận để tạm thời tránh nguy cơ thảm họa chưa thể coi là đã hoàn toàn thành công.

Dẫu sao, những lo ngại về tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã phần nào được xoa dịu trước việc Mỹ và EU cùng nhất trí giảm rào cản thương mại giữa hai bên.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU tạm lắng cũng đã giúp khôi phục lòng tin của giới đầu tư, theo đó các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Theo đánh giá của giới quan sát, có lẽ điều này có được chủ yếu là do cả hai bên đều sớm ý thức được sẽ “lợi nhiều hơn hại” từ việc giảm bớt bất đồng thương mại và bất kỳ tiến triển tích cực nào cũng sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho cả hai phía, mà nền kinh tế toàn cầu cũng ít nhiều sẽ được hưởng lợi./.