Cuộc chiến tại Syria ngày càng dai dẳng và gây nhiều thương vong khi các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối trên khắp nước này trong ngày 6/4 đã khiến ít nhất 94 người thiệt mạng, trong đó có 32 dân thường và 26 binh sĩ. Điều này khiến quốc tế lo ngại nếu không sớm tìm ra một giải pháp giải quyết tình trạng tại Syria thì số người chết tại nước này còn tiếp tục tăng cao.
Aleppo tiếp tục là nơi chứng kiến giao tranh quyết liệt giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập Syria. Hôm 6/4, tại khu vực phía bắc của Aleppo, các tay súng đối lập đã nã đạn pháo cối vào sân bay quốc tế của thành phố và một căn cứ không quân liền kề trong sự đáp trả quyết liệt của quân đội chính phủ. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) cho biết, đã có ít nhất 15 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các cuộc giao tranh tại khu vực có đa số người Kurd sinh sống tại thành phố Aleppo. Trong số những người thiệt mạng có 9 trẻ em và 3 phụ nữ.
Máu vẫn đổ trên chiến trường Syria (ảnh: CBSnews) |
Các hãng truyền thông nhà nước Syria cùng ngày cho biết quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực gần thủ đô Damascus từ tay lực lượng chống đối và tiêu diệt 10 tay súng. Tuy nhiên, lực lượng đối lập cũng đã nã đạn pháo vào khu vực dân cư tại thủ đô Damascus làm ít nhất một dân thường thiệt mạng, 13 người khác bị thương và làm hư hại nhiều nhà cửa và xe cộ.
Một cư dân địa phương cho biết: “Một quả đạn cối đầu tiên phá hỏng hoàn toàn một chiếc xe bên đường. Nhiều người dân chúng tôi đã phải trốn chạy do đạn trút xuống. Loạt đạn thứ hai như mưa trút xuống sau đó 5 phút. Lần này thì có cả tá người bị thương”.
Các cuộc giao tranh mới nhất cho thấy một thực tế là cuộc chiến tại Syria vẫn diễn ra rất dai dẳng và quyết liệt. Các tay súng đối lập đã thường xuyên sử dụng đạn pháo cối tấn công vào các khu dân cư nhằm làm tê liệt đời sống của người dân địa phương và thoát khỏi sự kìm kẹp của lực lượng chính phủ.
Liên quan đến tình hình tại Syria, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Syria Bashar Al Assad cho rằng nước này “bắt tay” với Israel để chống lại chính quyền Damascus.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: “Những lời cáo buộc như việc Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hợp tác để chống lại Syria là hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi không bao giờ liên kết với một bên thứ ba nào để can thiệp vào tình hình của nước láng giềng bởi Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ vận mệnh với tất cả các nước xung quanh”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Syria Assad cảnh báo, nếu Syria bị chia cắt hoặc nếu các lực lượng khủng bố lên nắm quyền lãnh đạo ở Syria thì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nước chung quanh và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Ông Assad cũng lên án chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho các tay súng tại Syria và cáo buộc Ankara có liên quan cái chết của nhiều người Syria và nhấn mạnh, nếu xung đột tại Syria tiếp diễn thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bất ổn.
Liên Hợp Quốc muốn tái diễn 1 Iraq thứ 2?
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Ban Thư ký Liên Hợp Quốc đã có hành động "không thể chấp nhận được" khi đưa ra cách tiếp cận không mang tính xây dựng và mâu thuẫn đối với việc điều tra khả năng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Theo bộ này, trả lời đề nghị của Chính phủ Syria về việc điều tra khả năng sử dụng chất độc hóa học gần Aleppo hôm 19/3 vừa qua, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc đã yêu cầu "các chuyên gia được phép tiếp cận không hạn chế tất cả các cơ sở ở Syria và được phép thẩm vấn bất cứ ai mà họ cho là cần thiết".
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định "cách tiếp cận như trên gợi nhớ chính sách đối với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq", chính sách trên dựa trên những thông tin sai lệch và có thể dẫn tới hậu quả tương tự tại Iraq.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc chịu sức ép của một số quốc gia nhất định, "đưa ra quyết định thiếu tính xây dựng dựa trên nguồn thông tin chưa được kiểm chứng"./.