Bất chấp các nỗ lực ngoại giao dàn xếp của cộng đồng quốc tế, chiến sự vẫn tiếp tục nổ ra ác liệt tại nhiều khu vực khác nhau ở Syria trong ngày đầu tiên của tháng 11, cướp đi mạng sống của ít nhất 157 người, trong đó có nhiều thường dân vô tội. Bạo lực đẫm máu tiếp diễn đang làm lu mờ mọi hy vọng về việc có thể sớm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua tại quốc gia Trung Đông.
Một con đường bị phá hủy ở Aleppo, Syria (Ảnh: AP) |
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh ngày 1/11 cho biết, quân nổi dậy Syria do phương Tây hậu thuẫn, vừa tiến hành vụ hành quyết được mô tả là rất “man rợ” đối với 20 binh sỹ Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib, miền Nam nước này. Trong đoạn băng video phát tán trên mạng Internet, các phiến quân Syria đã bắt các binh sỹ nằm úp mặt xuống đất, giẫm đạp lên đầu họ trước khi xả súng dữ dội vào những con người đã mất hoàn toàn khả năng kháng cự.
Theo nhà phân tích chính trị Arab Abdulla Mansour, vụ hành quyết chắc chắn sẽ khắc sâu hơn sự thù địch giữa hai bên, làm phức tạp hóa các nỗ lực hòa giải mà cộng đồng quốc tế và các bên có thiện chí đang quyết tâm theo đuổi.
Cùng ngày, các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Syria al-Assad và quân nổi dậy tiếp tục nổ ra dữ dội tại thủ đô Damascus, các thành phố Homs, Aleppo, Idlib và Halab cùng nhiều khu vực khác. Hơn 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh này, trong đó có khoảng 50 dân thường, gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Không chỉ trực tiếp cướp đi cuộc sống của nhiều người vô tội, chiến sự gia tăng cũng đang gián tiếp đe dọa cuộc sống của hàng chục ngàn người khác đang bị mắc kẹt giữa hai làn đạn. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc phụ trách Điều phối các vấn đề nhân đạo, an ninh bất ổn khiến hàng cứu trợ không thể đến với người dân Syria tại nhiều khu vực chiến sự.
Người phát ngôn Văn phòng Liên Hợp Quốc phụ trách Điều phối các vấn đề nhân đạo Jens Laerke cho biết: “Tất cả các bên trên thực địa đã liên lạc với phái bộ cứu trợ và bày tỏ thiện chí sẵn sàng cho phép hàng cứu trợ đi qua các chiến tuyến. Tuy nhiên, việc phân phát tức thì hàng cứu trợ đã bị ngăn cản bởi xung đột liên tiếp và sự phức tạp về hậu cần, trong đó có việc thiếu địa điểm an toàn để tập kết lương thực”.
Bạo lực tại Syria chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có nhiều ảnh hưởng, vẫn chưa thể thống nhất được một giải pháp đáng tin cậy để chấm dứt bạo lực, tạo lập hòa bình cho quốc gia Trung Đông. Trong đó, bất đồng quan điểm lớn nhất giữa các nước vẫn là vấn đề vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên chính trường Syria trong tương lai./.