Sáng 21/7, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề nghị triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Dải Gaza. Ông cũng tuyên bố để tang 3 ngày sau trận pháo kích dữ dội của Israel vào Dải Gaza ngày hôm qua, làm ít nhất 100 người Palestine thiệt mạng.
Cuộc xung đột trong 2 tuần qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 430 người Palestine và 20 người Israel, đồng thời gây ra một cuộc di tản dân thường và khủng hoảng nhân đạo lớn nhất tại Dải Gaza.
Tổng thống Abbas đã tới Doha sau những chuyến công du chớp nhoáng tới Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Bahrain nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn. Ông hy vọng Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng quan hệ tốt với Hamas để buộc phong trào này nhất trí về một lệnh ngừng bắn với Israel.
Hôm qua là ngày quân đội Israel bị thiệt hại nặng nề nhất kể từ năm 2006 với 13 binh sỹ thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của Phong trào Hamas, nhằm vào các tay súng, hệ thống đường hầm, các trung tâm chỉ huy của Hamas ở Dải Gaza. Trong sáng 21/7, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc bác bỏ tin nói rằng, một binh sỹ của họ đã bị các tay súng Hamas bắt giữ.
Sau vụ pháo kích làm ít nhất 60 dân thường Palestine thiệt mạng tại quận Shejaiya, phía Đông Gaza mà Tổng thống Abbas gọi là vụ thảm sát, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án đây là “hành động tàn bạo”.
Phát biểu khi đang ở thăm Qatar, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thư kí Ban Ki-moon nói: “Tôi lên án hành động tàn bạo này. Israel phải kiềm chế tối đa và cố gắng bảo vệ dân thường hơn nữa. Chỉ có một cách duy nhất để tránh vòng xoáy xung đột, duy trì an ninh cho tất cả mọi người đó là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Để làm điều đó các bên cần quay trở lại bàn đàm phán và bàn về giải pháp hai nhà nước”.
Sau sáng kiến của Ai Cập về tái thực thi lệnh ngừng bắn năm 2002 bị thất bại, tới nay, vẫn chưa có đột phá ngoại giao nào. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (21/7) sẽ có mặt tại Ai Cập để phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Giới ngoại giao phương Tây đang hy vọng Qatar có thể là một nước trung gian vì quốc gia vùng Vịnh này là nơi sống lưu vong của nhiều thủ lĩnh Hamas.
Khi cuộc xung đột chưa có lối thoát, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã kêu gọi tiến hành một cuộc tổng đình công tại các vùng lãnh thổ Palestine. Tổ chức Giải phóng Palestine thúc giục Liên Hợp Quốc và tất cả các nước "lên án các cuộc tấn công của Israel chống người dân Palestine và thi hành công lý chống lại tội phạm chiến tranh".
Các tổ chức cứu trợ cho biết dòng người hoảng loạn tiếp tục di dời khỏi quận Shejaiya. Theo cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc, 20.000 người đã rời bỏ nhà cửa vào cuối tuần qua, khiến các tổ chức quốc tế bị quá tải, gặp khó khăn trong việc cung cấp chỗ ở, thực phẩm cho họ. Số người rời bỏ nhà cửa để tránh bom đạn ở Dải Gaza đã vượt quá cuộc xung đột cuối năm 2008./.