Theo dự kiến, trong ngày 2/2 theo giờ Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ công bố Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR), một văn bản nhằm đặt ra chiến lược hạt nhân của chính quyền Tổng thống Donald Trump và các cơ sở hợp lý để hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân trên biển, trên không và trên bộ, hay còn gọi là bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Đối phó với Nga và Trung Quốc
Trong một buổi họp báo ngày 1/2, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho biết, chiến lược hạt nhân của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đòi hỏi cần có sự đầu tư vào khả năng hạt nhân để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau cũng như tầm quan trọng của bộ ba hạt nhân.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết hiện đại hóa kho hạt nhân của Mỹ để có lập trường cứng rắn hơn trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
“Chúng ta cần phải hiện đại hóa và xây dựng lại kho hạt nhân của mình, dù hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng đến nó. Tuy nhiên chúng ta cần phải biến nó trở nên mạnh mẽ và đầy uy lực để có thể ngăn chặn bất cứ hành động gây hấn nào của bất cứ quốc gia nào khác hay của bất cứ ai”, Tổng thống Donald Trump tuyên bố trong thông diệp liên bang ngày 30/1.
Ông cũng nói rằng, dù việc giải trừ hạt nhân trên toàn cầu là một khái niệm tích cực, nhưng thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho điều đó. “Có thể một ngày nào đó, sẽ có một thời khắc kỳ diệu khi tất cả các nước trên thế giới sẽ cùng nhau xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng thật buồn là chúng ta vẫn chưa làm được điều đó”.
Trước đó, tờ Huffington Post đưa tin, trong bản bản dự thảo NPR, Nga được đánh giá là có lợi thế hơn so với Mỹ và các đồng minh trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân và các lực lượng hạt nhân phi chiến lược.
Cũng theo tài liệu mà Huffington Post nêu ra, Nga đang xây dựng một loạt các “hệ thống phi chiến lược lớn, đa dạng và hiện đại”, có thể được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc thông thường. Các hệ thống này không chịu chi phối bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới).
Ngoài Nga, bản dự thảo NPR còn đề cập đến Trung Quốc, Triều Tiên và Iran là những thách thức lớn của Mỹ.
Ông Trump đọc thông điệp Liên bang đầu tiên kêu gọi xây dựng lại kho hạt nhân
Quan điểm khác với thời Obama
Hồi tháng 10/2017, Ủy ban ngân sách quốc hội ước tính chi phí để hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân sẽ là khoảng 1.200 tỷ USD trong 30 năm (đến năm 2046).
Theo bản dự thảo NPR, những đề xuất thay đổi chương trình vũ khí hạt nhân lần này đánh dấu sự thay đổi đáng kể về quan điểm hạt nhân của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - người đã có bài phát biểu nổi tiếng ở Praha (Séc) năm 2009 kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Một đề xuất gây tranh cãi nhất trong dự thảo NPR là lời kêu gọi phát triển loại tên lửa đầu đạn hạt nhân nhỏ tầm thấp. Những đầu đạn này có thể gắn lên tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Một ý kiến khác cũng gây nhiều bất đồng là vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để làm tê liệt các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ như mạng lưới điện và hệ thống kiểm soát không lưu.
Ngày 29/1 vừa qua, 16 thượng nghị sỹ đã cùng ký vào bức thư gửi Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng, những đề xuất trong bản dự thảo NPR có thể dẫn tới bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Trong số những người ký vào bức thư này, có cả 2 thượng nghị sỹ Dianne Feinstein và Bernie Sanders.
Bộ Quốc phòng Mỹ không phủ nhận tính xác thực của bản dự thảo, nhưng cho biết, có nhiều bản nháp đã được đưa ra. Theo thông lệ, Lầu Năm Góc cũng sẽ không thảo luận về các bản báo cáo và chiến lược dự thảo.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette dự kiến công bố bản NPR chính thức vào 14h30 ngày 2/2 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 2h30 sáng ngày 3/2 theo giờ Việt Nam./.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ cảnh báo nhầm ở Hawaii