Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Nga và Ukraine là hai thị trường lương thực đặc biệt quan trọng của châu Âu. Lúa mì, ngô và ngũ cốc của Nga và Ukraine giữ vai trò chủ chốt trong nhiều sản phẩm lương thực và thực phẩm được tiêu thụ tại châu Âu. 

Ông Emmanuel Macron nhấn mạnh cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine sẽ khiến châu Âu và nhất là châu Phi có thể rơi vào tình trạng bất ổn về an ninh lương thực do thiếu nguồn cung thay thế.

“Châu Âu và châu Phi sẽ mất ổn định rất sâu sắc về lương thực. Châu Âu sẽ cần phải đánh giá lại chiến lược sản xuất để bảo vệ chủ quyền an ninh lương thực và dinh dưỡng. Nhiều nước châu Phi có thể sẽ đối mặt với nạn nói trong giai đoạn từ 12  - 18 tháng nữa do ảnh hưởng của xung đột”, ông Macron nói.

Trước những lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, Uỷ Ban châu Âu (EC) dự kiến triển khai một số biện pháp khẩn cấp. Theo đó, EC có thể lần đầu tiên phải trích khoảng 450 triệu euro từ “Quỹ dự trữ khủng hoảng” để hỗ trợ cho nông dân châu Âu bù đắp trước sự biến động về giá. Kể từ khi xung đột Ukraina diễn ra, tại châu Âu, giá lúa mì đã tăng 50% lên gần 400 euro/tấn, trong khi  giá ngô cũng tăng khoảng 30% lên xấp xỉ 350 euro/tấn.

EC cũng đang tính tới khả năng nới lỏng các quy định về quỹ đất nông nghiệp nhàn rỗi dự phòng để đưa vào khai thác trở lại phục vụ trồng trọt. Lãnh đạo 27 nước EU thống nhất tăng cường phối hợp các quốc gia đang phát triển trong vấn đề an ninh lương thực để giảm thiểu nguy cơ đói nghèo.

Theo số liệu thống kê, Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% thị trường xuất khẩu lúa mì và lúa mạch, 19% nguồn cung ngô và 80% lượng xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) mới đây cũng cảnh báo 8-13 triệu người trên toàn thế giới có thể rơi vào tình trạng đói ăn do khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, EU với Nga. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Phi, Nam sa mạc Sahara và Trung Đông./.