Các đợt tuần hành phản đối với sự tham gia của hàng nghìn người khiến giới quan sát lo ngại về chủ nghĩa cực đoan mới, tiêu biểu là phong trào cực hữu mang tên “Những người yêu nước tại châu Âu phản đối đạo Hồi tại phương Tây” (Pegida).
Trong những ngày qua, châu Âu không chỉ chứng kiến các đợt tuần hành đường phố rầm rộ phản đối Hồi giáo mà cả hàng loạt vụ tấn công bạo lực nhằm vào những nơi thờ tự đạo Hồi.
Theo thông tin từ giới chức Hồi giáo tại Pháp, trong những ngày qua đã diễn ra ít nhất 50 vụ tấn công bằng bom xăng, súng, thậm chí là ném đầu lợn, vẽ các khẩu hiệu chỉ trích lên tường nhà thờ Hồi giáo.
Giới chức Hồi giáo tại Pháp đã phải lên tiếng yêu cầu tăng cường bảo vệ tín đồ cũng như các điểm thờ tự đạo Hồi như đang bảo vệ các điểm thờ tự Do Thái.
Tại Đức, trong những năm gần đây, nước này đã thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách hội nhập thông thoáng và ưu đãi nhằm thu hút lực lượng lao động di cư, đặc biệt là những người có trình độ học vấn và tay nghề cao.
Ngoài ra, trong năm 2014, Đức đã đón nhận khoảng 200.000 người tị nạn, phần lớn là từ Trung Ðông, gấp bốn lần so với năm 2012. Chính thực trạng nay đã khiến những người trong phong trào Pegida cảm thấy bị hiện tượng Hồi giáo đe dọa. Theo kết quả thăm dò dư luận trước vụ khủng bố tại Pháp, đã có tới 57% số người dân Đức không theo đạo Hồi cảm thấy bị đạo Hồi đe dọa.
Nhằm ngăn chặn phong trào bài ngoại leo thang, ngày 13/1, hơn 10.000 người dân Đức đã tập trung tại thủ đô Berlin để phản đối tư tưởng chống Hồi giáo, với sự tham gia của cả Tổng thống Joachim Gauk và Thủ tướng Angela Merkel.
Ông Gauk một lần nữa khẳng định sự đoàn kết và ủng hộ mọi tôn giáo tại nước Đức: “Những kẻ tấn công cho chúng ta thấy một xã hội tự do dễ bị tổn thương như thế nào, chúng cũng làm được việc để chúng ta tự xem xét bản thân mình một lần nữa. Những kẻ khủng bố muốn chúng ta chia rẽ nhưng chúng lại khiến chúng ta đoàn kết hơn”.
Trong khi đó, ông Hassan Ashafi, một người dân Đức theo đạo Hồi cho rằng: “Điều này rất quan trọng đối với tôi. Tôi là một người Hồi giáo, và có thể nói rằng người Hồi giáo thường xuyên được mặc định là những kẻ khủng bố. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại, chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố, chúng tôi là một tôn giáo hòa bình được gọi là Hồi giáo. Hồi giáo bắt nguồn từ Salaam và Salaam có nghĩa là hòa bình”.
Điều nguy hiểm hơn, phong trào này đã lan rộng ra toàn châu Âu, đặc biệt sau sự kiện khủng bố vừa qua. Tại Thụy Điển, khoảng 200 người đã tổ chức tuần hành theo cách thức Pegida hôm đầu tuần.
Tại Đan Mạch, các nhóm bài ngoại dự kiến trong tuần tới sẽ tổ chức tuần hành lớn trong khi chi nhánh Pegida với các thành viên nòng cốt đến từ đảng cực hữu tại Thụy Sỹ cũng tuyên bố thành lập và đi vào hoạt động từ giữa tháng tới.
Tại Anh, vấn đề người Hồi giáo nhập cư đang dần nóng lên và có thể trở thành một chủ đề chính trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 tới. Hiện các đảng phái đối lập theo xu hướng siết chặt nhập cư và tách Anh khỏi Liên minh châu Âu đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng và thu hút được sự ủng hộ của người dân nước này.
Với sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan mới, bài xích đạo Hồi và người nhập cư, có thể nói rằng châu Âu đang đứng trước trước nguy cơ chia rẽ và bất ổn nghiêm trọng đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khu vực này yếu kém cộng với tình trạng thanh niên thất nghiệp cao./.