Giới chức y tế châu Âu vừa lên tiếng cảnh báo dịch bại liệt tái bùng phát tại Syria thời gian gần đây có thể lan tới khu vực Châu Âu thông qua dòng người tị nạn.

Giáo sư Martin Eichner - chuyên gia dịch tễ học lâm sàng thuộc Đại học Tuebingen, Đức cho biết: Ở hầu hết các nước Tây Âu, người dân có điều kiện được tiêm phòng đầy đủ nên khu vực này ít có khả năng bị lây nhiễm. Song cũng không thể loại trừ trường hợp virus gây bệnh bại liệt có thể tới một nước nào đó trong khu vực, ví dụ như Áo – nơi có tỷ lệ tiêm chủng bại liệt thấp nhất Tây Âu. Trong khi đó, ở Đông Âu, những quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng bại liệt thấp như Bosnia và Herzegovina, hay Ukraine cũng có nguy cơ lây nhiễm bại liệt từ Syria”.

Các chuyên gia y tế cho rằng, ngoài việc tiến hành tiêm chủng cho người tị nạn Syria, Châu Âu cần thực hiện những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó có việc giám sát chặt chẽ lượng nước thải ở khu vực có đông người tị nạn Syria sinh sống, nhằm phát hiện sớm loại virus này.  

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận dịch bệnh bại liệt đã lần đầu tiên tái bùng phát ở Syria trong 14 năm qua, cụ thể là tại tỉnh Deir Ezzor – đông bắc nước này, khiến 10 trẻ bị liệt.

Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho biết, chỉ số miễn dịch tại Syria đã giảm từ mức 90% ở thời điểm trước khi xảy ra xung đột (từ tháng 3/2011) xuống còn 68% ở thời điểm hiện tại.

Theo Tổ chức y tế thế giới, dịch bại liệt bùng phát tại Syria không chỉ gây lo lắng đối với nhiều quốc gia châu Âu mà còn đe dọa hàng triệu trẻ em tại khu vực Trung Đông.

Bệnh bại liệt rất dễ lây từ người sang người và có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt ở trẻ em. Môi trường sống thiếu vệ sinh tại các trại tị nạn của người Syria là môi trường thuận lợi để bệnh bùng phát./.