Giá cả đột biến
Các nước châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng tương đối nghiêm trọng, khi giá khí gaz, xăng dầu và điện đang tăng lên ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Tại một số nước như Pháp, Tây Ban Nha, Italia, hóa đơn khí gaz và điện của nhiều hộ gia đình đã tăng từ 30-60% trong 1-2 tháng qua, khiến người tiêu dùng bất mãn và bắt đầu có dấu hiệu gây ra các căng thẳng xã hội.
Các chuyên gia kinh tế liệt kê một số nguyên nhân. Một, đó là sau một thời gian dài triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả cao, với độ phủ vaccine trong dân chúng các nước EU hiện trung bình gần 80%, tất cả các nước châu Âu hầu như đều đã trở lại cuộc sống bình thường, các hoạt động kinh tế được nối lại và hồi phục mạnh mẽ. Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Ví dụ tại Đức, ngành công nghiệp chiếm đến 1/3 lượng tiêu thụ gaz của nước này.
Lý do thứ hai: trong Hè qua, thời tiết diễn biến bất thường khiến sản lượng phong điện sụt giảm mạnh so với thường kỳ. Nguyên nhân cuối cùng, đó là việc các nước châu Âu cho rằng nước Nga đã hạn chế cung cấp lượng gaz xuất khẩu sang châu Âu, khiến sự thiếu hụt tại châu Âu thêm trầm trọng.
Tham vọng khí hậu
Trước cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, một số nước như Pháp, Tây Ban Nha đã lên tiếng yêu cầu Ủy ban châu Âu sửa đổi các quy định liên quan đến việc kiểm soát năng lượng, đồng thời tung ra các chính sách bảo vệ các hộ gia đình, các công ty vừa và nhỏ, tức là các đối tượng chịu tác động lớn nhất của việc giá khí đốt, giá điện tăng cao đột biến trong thời gian qua. Tây Ban Nha đề nghị châu Âu lập “Quỹ dự trữ khí đốt chiến lược”, tập hợp toàn bộ các nước EU cùng đàm phán mua khí đốt và lập kho dự trữ, giống như mô hình vừa thực hiện thành công với chiến dịch mua vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, một số nước phản đối.
Bỉ cho rằng việc các nước EU cùng mua chung khí đốt không phải giải pháp. Phần Lan cho rằng việc trợ giúp các hộ gia đình hay các doanh nghiệp là thẩm quyền của mỗi quốc gia, và tình trạng thiếu hụt năng lượng ở mỗi nước là khác nhau, vì có nước dùng nhiều năng lượng tái tạo, có nước dùng nhiều năng lượng hóa thạch.
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban quy trách nhiệm cho chính sách chống biến đổi khí hậu quá tham vọng của EU, trong đó ép buộc các nước cắt bỏ quá vội vã các nguồn năng lượng hóa thạch… Hungary cho rằng việc EU theo đuổi “Thỏa thuận Xanh” là một dạng thuế gián tiếp đánh vào các công dân, khiến chi phí năng lượng tăng cao, trong khi 99% lượng khí gaz tự nhiên mà châu Âu dùng hiện nay là đến từ nhập khẩu.
Vì thế, các khúc mắc hiện nay giữa các nước EU là rất phức tạp, từ sự khác biệt giữa thực tế tại các quốc gia đến mâu thuẫn giữa bức tranh năng lượng hiện tại của châu Âu với tham vọng về chống biến đổi khí hậu của khối này.
Vai trò của Nga
Ngay từ giữa tháng 9/2021, Cơ quan năng lượng châu Âu (AEI) đã ra thông báo ngầm chỉ trích rằng Nga lẽ ra có thể xuất khẩu nhiều khí gaz hơn sang cho châu Âu và qua đó giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay. Châu Âu cho rằng xuất khẩu khí gaz của Nga sang châu Âu hiện còn thấp hơn năm 2019, thậm chí cho rằng Nga đang tìm cách thao túng giá khí gaz.
Tuy nhiên, phía Nga đã phản bác các chỉ trích này. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, châu Âu rơi vào tình trạng hiện nay một phần là vì đã từ bỏ các hợp đồng mua khí gaz dài hạn, thay vào đó đi mua trên các thị trường thứ cấp vốn có nhiều biến động về giá. Tổng thống Nga cũng đã đề nghị trợ giúp, tăng lượng xuất khẩu khí gaz sang châu Âu. Ngay sau tuyên bố của ông Putin, thị trường khí gaz đã phần nào hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các nước châu Âu đón nhận các đề nghị từ Nga một cách thận trọng. Một mặt, các nước này buộc phải gia tăng lượng nhập khẩu khí gaz từ Nga, nhà cung cấp số 1 cho châu Âu (chiếm khoảng 40%), để hạ giá, giảm căng thẳng xã hội, nhưng mặt khác châu Âu càng lo ngại hơn việc bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga.
Nhiều chính trị gia châu Âu đã lên tiếng cho rằng Nga đang sử dụng khí gaz như vũ khí địa chính trị để gây sức ép với châu Âu và về lâu dài, châu Âu phải tìm cách ứng phó. Tuy nhiên, đây là chủ đề không mới, đã được bàn thảo suốt nhiều năm qua và cho đến nay châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp./.