Một nghiên cứu của giới khoa học Trung Quốc được công bố mới đây cho thấy, có mối liên hệ chặt chẽ giữa các phân tử cực nhỏ gây ô nhiễm không khí với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người.

o-nhiem-khong-khi-trungquoc.jpg
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế bằng mọi giá đã gây ra những hệ lụy xấu đến môi trường ở Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Theo nghiên cứu này, các chất gây ô nhiễm không khí càng nhỏ thì chúng càng có nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe của con người. Điều này đã được minh chứng rõ qua các các đợt ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh và một số địa phương khác của nước này trong những năm gần đây.

Gần đây nhất là đợt khói mù dày đặc bao phủ thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang khiến nhiều trường học phải đóng cửa, đường cao tốc phải dừng hoạt động. Các tuyến xe bus và cả sân bay quốc tế Thái Bình phải dừng hoạt động.

Trong số các chất gây ô nhiễm không khí được tìm thấy tại Trung Quốc, nguy hiểm nhất là chất PM 2.5, chất này có thể dễ dàng xâm nhập hệ thống hô hấp và gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe, kể cả bệnh về tim mạch.

Một nghiên cứu khoa học đã được tiến trong vòng 2 năm qua tại một thành phố có quy mô dân số trung bình ở Trung Quốc. Theo đó, các nhà khoa học đã đo được 23 chất gây nguy hại có trong không khí, với đường kính từ 0,25-10 micron, sau đó đối chứng với các điều kiện sức khỏe của người dân tại đây. Kết quả cho thấy, những khu vực có nhiều các chất gây nguy hại càng nhỏ, thì các vụ việc liên quan đến sức khỏe của con người càng lớn.

Trung Quốc hiện đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính trên GDP. Nhưng lâu nay nước này vẫn bị cộng đồng quốc tế đánh giá rằng, chính việc thúc đẩy phát triển kinh tế bằng mọi giá đã làm tổn hại nặng nề môi trường. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế và phản ứng của người dân, Chính phủ Trung Quốc đã đưa vấn đề cải thiện môi trường lên ưu tiên hàng đầu.

Mới đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch “mạnh tay” nhất từ trước đến nay để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới sẽ giảm 10% chỉ số ô nhiễm không khí được đo bằng PM 2.5 tại tất cả các thành phố so với năm 2012.

Để đạt được các mục tiêu này, Trung Quốc cam kết đến năm 2017 sẽ giảm sử dụng than đá xuống còn 65% so với hiện nay, đồng thời chú trọng phát triển các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm hơn như gas và thủy điện./.