Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 4/9 cho biết, những hành động của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã khiến nước này khó có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Cờ của Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Ảnh: ceftus. |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định, nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích nhận định, cánh cửa gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị thu hẹp hơn bao giờ hết.
Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm qua (4/9), người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, những hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến nước này ngày một rời xa Liên minh châu Âu, đồng thời sẽ không thể giúp nước này có cơ hội gia nhập Khối.
Trước đó một ngày, trong một buổi tranh luận trên truyền hình với đối thủ tranh cử theo đường lối trung tả là Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố, nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bà Merkel, một thực tế rõ ràng rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành thành viên của EU và Đức sẽ tìm cách áp đặt “các hạn chế thực sự về kinh tế” đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đưa ra cảnh báo du lịch đối với nước này.
Cùng chung quan điểm, đối thủ của bà Merkel, ông Martin Schulz cũng đã cam kết sẽ ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU nếu ông trở thành Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử tới.
Với các tuyên bố trên, giới chuyên gia cho rằng, việc gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng thấy.
Tuy nhiên, ngay trong ngày hôm qua, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini vẫn khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng cử viên của Liên minh châu Âu và các cuộc đàm phán gia nhập Khối của nước này vẫn sẽ tiếp tục.
Còn người phát ngôn của bà Merkel, Steffen Seibert cũng ngay lập tức có động thái trấn an Thổ Nhĩ Kỳ, khi cho rằng việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vấn đề cấp bách đối với Đức và vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận tại một hội nghị của Khối, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik nói rằng, một số cuộc thảo luận nhằm chấm dứt đàm phán gia nhập EU của nước này chính là hành động tấn công vào các nguyên tắc thành lập Khối.
Còn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, việc gia nhập EU vẫn là “một mục tiêu chiến lược” của nước này: “Đối với quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, đây vẫn là một mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ và đó là sự lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn trở thành một thành viên chính thức của EU. Chúng tôi đã thảo luận với các nước thành viên EU và chúng tôi cũng đã ký kết với EU một thỏa thuận với hi vọng có thể có được một tư cách thành viên chính thức.”
Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng quan hệ với Đức sẽ được cải thiện sau bầu cử
Giới phân tích nhận định, mối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức sẽ có tác động trực tiếp tới quá trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Trên thực tế, mối quan hệ giữa 2 quốc gia này thời gian qua đã chứng kiến nhiều căng thẳng, đặc biệt là sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi cả hai đã liên tục công kích nhau liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới.
Ngày 18/8 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của Martin Schulz, vì cho đây là “kẻ thù” của nước này.
Thủ tướng Merkel cùng nhiều quan chức trong Chính phủ Đức đã chỉ trích hành động của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là vô lý, đồng thời nhấn mạnh rằng không ai có quyền can thiệp công việc nội bộ của nước Đức./.