Một sự leo thang chưa từng có ở Gaza ngày hôm qua (14/5) giữa hàng trăm nghìn người biểu tình Palestine và quân đội Israel. Căng thẳng như bị đổ thêm dầu vào lửa khi Mỹ khai trương đại sứ quán tại Jerusalem và được cảnh báo là một bước rất nghiêm trọng với các hậu quả  trong ngắn và dài hạn.

mot_tre_em_palestine_thiet_mang_trong_cuoc_bieu_tinh_o_gaza_afp_mnpx.jpg
Một trẻ em Palestine thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở Gaza.  (ảnh: AFP)

Cơ quan Y tế Palestine ở Gaza cho biết, ít nhất có 52 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em. Khoảng 2.400 người bị thương, trong một sự leo thang chưa từng có giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine gần hàng rào giữa Dải Gaza và Israel ngày hôm qua (14/5).

Cơ quan này cũng lưu ý rằng số người chết có thể sẽ tăng do mức độ nghiêm trọng của những người bị chấn thương. Như vậy kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình phản đối Mỹ và Israel, và đòi quyền trở về của người Palestine ở Gaza hồi cuối tháng 3 tới nay đã có 101 người Palestine thiệt mạng. Đáng chú ý, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong ngày hôm nay (15/5) trong các vùng lãnh thổ Palestine để phản đối Mỹ, Israel và lên án vụ thảm sát của lực lượng Israel.

Tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo để 3 ngày quốc tang các nạn nhân tử vong trong các cuộc biểu tình ngày hôm qua. Ông Abbas nhấn mạnh rằng nhân dân Palestine sẽ không dừng cuộc đấu tranh của họ và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem. Ông nhắc lại rằng việc Mỹ đã chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem đã tự loại khỏi vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Tổng thống Abbas kêu gọi thế giới Ả Rập và những người bạn trên thế giới ủng hộ nhân dân Palestine chống lại các vụ thảm sát.

Tổng thư ký PLO, ông Saeb Erekat cho biết, việc Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem là bất hợp pháp, chôn vùi các tiến trình hòa bình và sự lựa chọn của một giải pháp hai nhà nước, đồng thời đẩy các dân tộc ở khu vực vào bạo lực, hỗn loạn và đổ máu. Ông Erekat nhấn mạnh rằng "Jerusalem là Ả Rập và sẽ vẫn như vậy. Trong khi đó, Phong trào Hamas và các lực lượng vũ trang ở Gaza nói rằng không có sự kiên nhẫn lâu dài với hành vi phạm tội này. Các phong trào này cho rằng, Jerusalem là mảnh đất thiêng liêng và việc Đại sứ quán Mỹ đặt tại Jerusalem cùng sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một cuộc tấn công vào các quyền của nhân dân Palestine.

Liên đoàn Ả Rập lên án Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem. Tổng Thư ký Liên đoàn các quốc gia Ả rập, Ahmed Aboul Gheit cho rằng đây là việc làm đáng xấu hổ khi chiếm Jerusalem, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Ông Aboul Gheit kêu gọi tất cả các nước tuân theo các nguyên tắc và không cúi đầu trước áp lực hay cám dỗ mà làm tổn hại đến quyền lợi của nhân dân Palestine cũng như đánh mất cơ hội giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, đồng thời cảnh báo rằng việc khai trương Đại sứ quán Mỹ là một bước rất nghiêm trọng mà chính quyền Mỹ không nhận thức được hậu quả  trong ngắn và dài hạn. Liên đoàn Ả Rập đã quyết định tổ chức một cuộc họp bất thường vào thứ tư tới ở cấp đại diện thường trực để thảo luận về quyết định "bất hợp pháp" chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem.

Người dân Palestine biểu tình phản đối Mỹ ở dải Gaza. (ảnh: AFP)

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án Mỹ và kêu gọi tất cả các nước thực hiện Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 478 năm 1980, yêu cầu kiềm chế không ủng hộ  theo quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo coi quyết định của chính quyền Mỹ là bất hợp pháp và đã  "tấn công" vào các quyền lịch sử, pháp lý, tự nhiên và dân tộc của nhân dân Palestine, làm suy yếu vị thế của Liên hợp quốc và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, gây đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.  Tổ chức Hợp tác Hồi giáo khẳng định tiếp tục nỗ lực để bảo vệ các giải pháp hai nhà nước và quyền của nhân dân Palestine.

Đại Imam của Al Azhar Tiến sĩ Ahmed el-Tayyeb đã ra tuyên bố lên án việc Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem. Ông El-Tayyeb nói rằng quyết định làm tổn thương cảm xúc của 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới, những người đã chứng kiến các vụ vi phạm xảy ra gần các thánh địa Hồi giáo, và cũng tại các địa điểm thánh Kitô giáo. Ông Ahmed el-Tayyeb kêu gọi tất cả các chính phủ, dân tộc và các tổ chức Ả Rập, Hồi giáo, quốc tế tin vào các giá trị của công lý.

Jordan coi quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem không có hiệu lực pháp luật và là một sự vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết Hội đồng Bảo an 478. Jordan nhấn mạnh rằng tình trạng cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp trên cơ sở các nghị quyết về tính hợp pháp quốc tế, đồng thời khẳng định cần tiếp tục những nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine trên cơ sở của một giải pháp hai nhà nước và phù hợp với nghị quyết của tính hợp pháp quốc tế để đảm bảo việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô ở Đông Jerusalem với đường biên giới năm 1967.

Ai Cập đã lên án mạnh mẽ việc lực lượng Israel tấn công những người dân Palestine không vũ trang tại biên giới Gaza.  Ai Cập hoàn toàn từ chối việc sử dụng vũ lực chống lại dân thường trong các cuộc tuần hành hòa bình đòi hỏi quyền hợp pháp và chính đáng của người Palestine. Ai Cập cảnh báo về "những hậu quả tiêu cực của sự leo thang nguy hiểm như vậy trong các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh hỗ trợ đầy đủ cho các quyền hợp pháp của người Palestine, đặc biệt là quyền thành lập một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng lên án lực lượng Israel tấn công người biểu tình Palestine và cho rằng cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ người anh em Palestine. Tuyên bố tái khẳng định "sự ủng hộ và kiên định của Saudi Arabia đối với nhân dân Palestine trong việc khôi phục các quyền hợp pháp của họ theo các nghị quyết về tính hợp pháp quốc tế và sáng kiến hòa bình Ả Rập"./.