Trong lúc căng thẳng ở khu vực Vùng Vịnh vẫn chưa hạ nhiệt, hôm qua (26/8), cả Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã "úp mở để ngỏ" khả năng sẽ có cuộc gặp đối thoại song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, dư luận đang tỏ ra không ít hoài nghi về tính khả thi của cuộc gặp này trong tương lai gần khi cả hai bên chưa hề đạt được bất cứ điểm chung nào trong các vấn đề cần tháo gỡ. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU vẫn đang nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và mong muốn thúc đẩy một cuộc gặp song phương Mỹ - Iran.
Sau Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ tuyên bố, ông đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp người đồng cấp Iran trong vòng vài tuần tới. Và bất ngờ hơn là ngay lập tức, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng “bóng gió” về khả năng đối thoại với người đồng cấp Mỹ, mặc dù trước đó ông khăng khăng không muốn đối thoại.
Tuy nhiên, trong quan hệ Mỹ - Iran, từ lời nói đến hành động không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, ngay cả khi bày tỏ thiện chí đối thoại với Iran nhằm hạ nhiệt căng thẳng tình hình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thể hiện một thái độ "đòi hỏi" như thông lệ khi tuyên bố chỉ đối thoại "khi các điều kiện phù hợp và đúng đắn" .
Về phía Iran, mặc dù ủng hộ các cuộc đàm phán, song Iran vẫn song song triển khai tàu khu trục tiên tiến nhất Sahand tới Vịnh Aden, một động thái có thể khiến .một lần nữa thổi bùng lên những căng thẳng mới với Mỹ. Bên cạnh đó, Iran cũng không ngừng chế tạo và phát triển những loại vũ khí chiến lược mới để đối phó với các mối đe dọa nhằm vào nước này, trong đó có thái độ thù địch của Mỹ.
Trong khi đó, vấn đề hạt nhân của Iran là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày từ 24-26/8 tại Biarritz (Pháp). Cùng với Anh và Đức, nước chủ nhà Pháp tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái. Phát biểu tại họp báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Biarritz ngày hôm qua (26/8), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã đạt đồng thuận về một số vấn đề quốc tế, trong đó vấn đề hạt nhân Iran, theo đó các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân và không để tình hình hiện nay đe dọa ổn định khu vực.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Iran có cơ hội để quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và nối lại đối thoại về các hoạt động hạt nhân của nước này.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề Iran và tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng Iran sẽ không bao giờ được phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Rõ ràng bây giờ là thời điểm có cơ hội để Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, nối lại đối thoại, cũng như chấm dứt hành vi gây rối trong khu vực”, ông Boris Johnson khẳng định.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các thành viên của Liên minh Châu Âu vẫn đang nỗ lực để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sau khi Mỹ rút khỏi. Việc đưa ra đề xuất cuộc gặp song phương Mỹ Iran, Tổng thống Pháp muốn chứng tỏ EU sẵn sàng là cầu nối ngoại giao cho một cuộc gặp có thể coi là lịch sử tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Iran thời gian tới đây./.
Mỹ và GCC thảo luận về đảm bảo tự do hàng hải ở vùng Vịnh
Anh điều tàu chiến thứ 4 tuần tra vùng Vịnh giữa căng thẳng với Iran
Anh cử thêm tàu chiến đến để tăng cường hiện diện tại Vùng Vịnh