Vụ việc 16 người biểu tình Palestine bị bắn chết và 1.400 người khác bị thương tại khu vực phía Đông Dải Gaza do quân đội Israel tấn công hôm 30/3 vừa qua có thể châm ngòi cho xung đột mới ở khu vực luôn nóng bỏng.
Đáng chú ý là sự việc bùng phát khi mà người Palestine đang giận dữ vì Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel càng khiến căng thẳng leo thang.
Quân đội Israel đụng độ với người biểu tình Palestine tại Dải Gaza. Ảnh: AFP/Getty Images |
Căng thẳng giữa Palestine và Israel tiếp tục leo thang với đỉnh điểm là vụ quân đội Israel bắn đạn thật và đạn hơi cay vào những người biểu tình Palestine ở dải Gaza hôm 30/3 vừa qua khiến 16 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương.
Ngay sau đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cáo buộc Israel sử dụng vũ lực đối với người Palestine, đồng thời tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về hành động này.
Nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ những vụ việc và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp nhằm chấm dứt tình hình bạo lực hiện nay.
Liên đoàn Arab cho rằng đây là hành động tàn bạo và khẳng định rằng Israel phải chịu trách nhiệm vì những gì đã gây ra. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên án vụ việc, coi đây là “vụ tấn công vô nhân đạo” của Israel tại Gaza.
Trong khi đó, ngày 1/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã bác bỏ mọi lời kêu gọi điều tra vụ quân đội Israel giết hại 16 người Palestine trong vụ biểu tình biến thành bạo lực hôm 30/3 tại biên giới Gaza-Israel. Ông Lieberman nhấn mạnh “binh sĩ Israel đã làm những điều cần thiết và sẽ không có ủy ban điều tra nào hết”.
Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi những nỗ lực của các binh lính để "bảo vệ biên giới đất nước." Quân đội Israel khẳng định những người biểu tình tiến hành bạo động các khu vực dọc biên giới và chính quyền Israel đã cấm tổ chức biểu tình, coi đây là hành động kích động bạo lực của Phong trào Hamas tại Gaza. Quân đội Israel cũng tuyên bố sẽ tiếp tục trấn áp.
Trước đó, cả Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Cao ủy về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào người biểu tình Palestine.
Trong khi các bên đang căng thẳng thì việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn và không thể đưa ra một bản nghị quyết lên án Israel vì gây ra thương vong lớn trong cuộc biểu tình ở Gaza hôm 30/3 càng khiến người dân Palestine vô cùng thất vọng và tức giận.
Chính quyền Palestine đổ lỗi cho Mỹ và Anh khi hai nước này phản đối HĐBA LHQ đưa ra nghị quyết chỉ trích Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng Mỹ đã cung cấp một lực lượng yểm trợ Israel tiếp tục tiến hành bạo lực nhằm vào người Palestine, đồng thời ủng hộ việc Israel phớt lờ các nghị quyết hợp pháp của quốc tế. Tuyên bố khẳng định các cuộc biểu tình của người dân Palestine sẽ tiếp diễn nhằm phản đối tại Hội đồng Bảo an LHQ hoặc Đại Hội đồng LHQ việc Israel chiếm đóng các vùng đất của Palestine và yêu cầu quốc tế bảo vệ những người dân Palestine.
Trong khi đó, hàng ngàn người Palestine đã tuần hành trên các đường phố vào thứ bảy và tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành phản đối mạnh mẽ Israel và việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trong sáu tuần tới. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của Palestine trong nhiều năm qua. Nhiều căn lều đã được dựng lên tại biên giới có rào chắn để tiếp tục các cuộc biểu tình dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/5.
Đáp lại các động thái này, Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa "Iron Dome" ở các thành phố sát dải Gaza. Việc triển khai hệ thống này do lo sợ phong trào Hamas trả đũa bắn tên lửa từ Dải Gaza. Người phát ngôn quân sự của Israel Ronen Manelis nói rằng Hamas đã sử dụng các cuộc phản kháng như một cái cớ để khởi động các cuộc tấn công chống lại Israel đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp ứng với hành động xác đáng và sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phản ứng bên trong Dải Gaza.
Trước đó, quân đội Israel đã tuyên bố tất cả các khu vực giáp ranh Dải Gaza là một khu quân sự khép kín.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine chỉ khiến khu vực vốn nhiều bất ổn tiếp tục phải chứng kiến giao tranh leo thang, thương vong và được dự báo có thể châm ngòi cho cuộc xung đột mới do phong trào Hamas đang kiểm soát Gaza khởi xướng./.