Vụ 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công tại Vịnh Oman tuần trước đã làm cho căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực, bị đẩy lên một nấc thang mới, nguy hiểm hơn bao giờ hết. Mỹ và Saudi Arabia đã chỉ địch danh Iran là thủ phạm của vụ tấn công, đồng thời để ngỏ khả năng sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề, bất chấp việc Iran phủ nhận có liên quan. Hiện thế giới đang hết sức quan ngại về vụ việc, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tiến hành một cuộc điều tra toàn diện.
Tàu chở dầu bốc cháy tại vùng Vịnh do bị tấn công. Ảnh: AP. |
Hôm qua (16/6), Ngoại trưởng Mỹ Mai Pompeo một lần nữa khẳng định, Iran là thủ phạm tấn công các chuyến hàng thương mại, tại eo biển Hormuz. Ông Pompeo thông báo đã gọi điện cho các đồng nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, với hi vọng họ có thể hiểu được các mối đe dọa từ Iran.Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định, Mỹ không muốn gây chiến với Iran, nhưng sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết, để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải quan trọng tại Trung Đông:
“Tổng thống Trump đã làm mọi thứ để có thể tránh 1 cuộc xung đột. Chúng tôi không muốn 1 cuộc chiến tranh. Iran cần hiểu rằng, chúng tôi sẽ hành động để ngăn cản họ thực hiện những hành vi kiểu như này. Chúng tôi sẽ đảm bảo quyền tự do hàng hải tại khu vực. Đây thực sự là một thách thức quốc tế, một vấn đề quan trọng của toàn cầu. Mỹ sẽ hành động, với mọi bước đi cần thiết, bao gồm cả ngoại giao và những cách thức khác để đạt được mục tiêu đó”.
Ông Pompeo tin rằng, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia là những quốc gia có nhiều quyền lợi ở eo biển Hormuz, sẽ ủng hộ quan điểm của Mỹ về các mối đe dọa từ Iran.
Cùng chung quan điểm với Mỹ, Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman hôm qua cũng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ việc. Người kế nhiệm Ngai vàng của Saudi Arabia trong tương lai cho rằng, hành vi tấn công tàu chở dầu Nhật Bản, tại thời điểm Thủ tướng Nhật Bản thăm Iran là hành động “không tôn trọng” từ phía Tehran. Thái tử Saudi Arabia nhấn mạnh, sẽ “không ngần ngại” hành động để đối phó bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào người dân và lợi ích quốc gia của nước này.
Tuy nhiên, hiện cả Mỹ và Saudi Arabia đều chưa nêu ra được bằng chứng cụ thể cho các cáo buộc của mình nhằm vào Iran, ngoài những viện dẫn thông tin tình báo chưa công bố. Hôm qua, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng về việc Iran tấn công tàu của Nhật Bản. Theo Kyodo, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quan chức Nhật Bản đều hoài nghi về các cáo buộc của Mỹ, cho rằng các cáo buộc mới chỉ đến ở mức độ suy đoán.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin) cảnh báo, những sự cố tấn công tàu thương mại tại Vùng Vịnh có thể làm suy yếu nền kinh tế thế giới. Do đó, cần 1 sự đánh giá “tỉnh táo” về tình hình, với những bằng chứng “thuyết phục” hơn.
Còn theo giới phân tích chính trị của khu vực Trung Đông, các vụ tấn công tàu thương mại tại vùng Vịnh có thể là 1 âm mưu “đội lốt”, nhằm đổ lỗi cho Iran. Với những thông tin cho rằng, các thủy thủ trên 2 tàu chở dầu bị tấn công, hôm 13/6 vừa qua, nhìn thấy vật thể bay phóng tới con tàu trước khi xảy ra vụ nổ, đã khiến cho các giả thuyết của Mỹ và Saudi Arabia đưa ra, kém phần thuyết phục.
Tuy nhiên, khi vụ việc chưa được rõ ràng, ngoài cuộc chiến ngôn từ ở cả 2 phía, hôm 16/6, Mỹ và Saudi Arabia đã tiến hành cuộc tập trận không quân trên Vịnh Arab. Đây được xem 1 động thái mới, nguy hiểm, có thể châm lửa cho “thùng dầu Trung Đông” đang nóng./.