Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm quần đảo tranh chấp Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima vào tuần trước đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là tranh chấp giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ đang khiến Chính quyền Washington lo ngại sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình ở châu Á.

Tong-thong-Han-Quoc.jpg

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima ngày 10/8 (Ảnh: QQ)

Nhật Bản cứng rắn và cương quyết

Với vị trí địa lý quan trọng, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế, quần đảo Dokdo/Takeshima từ lâu đã là nơi tranh chấp giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phản ứng trước chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima diễn ra vào tuần trước, Nhật Bản liên tục có những động thái cứng rắn và cương quyết. Ngay lập tức, Nhật Bản đã triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc về nước để phản đối chuyến thăm này của ông Lee Myung-bak.

Bên cạnh việc triệu hồi Đại sứ, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng cho biết, nước này đang cân nhắc tới việc đệ đơn lên Tòa án công lý quốc tế nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima.

Gần đây nhất, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc khả năng rút khỏi thỏa thuận "ngoại giao con thoi" được khởi động kể từ năm 2004 giữa lãnh đạo hai nước (theo như thỏa thuận này thì hàng năm, lãnh đạo hai nước sẽ có các cuộc gặp cấp cao để giải quyết những vấn đề giữa hai quốc gia).

Thủ tướng Nhật Bản Noda cũng cân nhắc có thể hoãn chuyến thăm Hàn Quốc trong năm nay.

Những động thái đáp trả cứng rắn của Nhật Bản hoàn toàn có thể hiểu được về mặt ngoại giao, đặc biệt nếu xét trong bối cảnh Hàn Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận gần quần đảo Dokdo/Takeshima trong những năm gần đây và có ý đồ nâng cấp quần đảo tranh chấp này thành căn cứ quân sự chiến lược trên vùng biển Nhật Bản.

Hàn Quốc không nhượng bộ

Trước những phản ứng hết sức cương quyết và cứng rắn cùng những lời lẽ đanh thép của phía Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã không hề có một thái độ nhượng bộ nào. Điều này cũng dễ hiểu là bởi vì theo kết quả điều tra dư luận của Chính phủ Hàn Quốc, có đến 85% số người được hỏi ủng hộ chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak đến quần đảo Dokdo/Takeshima.

Quần đảo Dokdo bao gồm 2 đảo chính và 35 mỏm đá nhỏ với diện tích đất khoàng 18,7 ha. Seoul đã đặt một lực lượng canh gác bờ biển tại quần đảo này từ năm 1954. Ngoài ra, trên đảo còn có 2 người dân Hàn Quốc là một cặp vợ chồng già đang sinh sống.

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), lý do là người dân nước này rất bất bình về hành động đối xử tàn bạo của phát xít Nhật Bản đối với người dân Hàn Quốc trong chế độ thuộc địa (kéo dài trong khoảng từ năm 1910-1945).

Tranh chấp lãnh thổ đã ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong những năm gần đây thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình của người dân bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc. Đặc biệt, gần đây, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản khẳng định quần đảo Dokdo/Takeshima là thuộc chủ quyền của nước này. Điều này đã khiến người dân Hàn Quốc rất tức giận và xem đó như là bằng chứng cho thấy, Nhật Bản không hề ăn năn về những hành động đối xử dã man dưới chế độ thuộc địa trước kia.

Từ nhiều năm nay, tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima và sự nổi giận của người dân Hàn Quốc đối với chính sách cai trị thuộc địa hà khắc của Nhật Bản trước đây đã khiến cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Mâu thuẫn này càng được hâm nóng khi tháng 8 hàng năm là thời điểm kỷ niệm nhiều sự kiện đen tối nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Mỹ lo ngại lợi ích bị ảnh hưởng

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc- hai đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á trong thời gian gần đây đang khiến Mỹ lo ngại sẽ ảnh hưởng tới chính sách quay trở lại châu Á của mình.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Brack Obama luôn khẳng định, sự phát triển kinh tế năng động của khu vực châu Á-nơi mà Trung Quốc đang được coi là nước có sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, có thể khiến vị thế của Mỹ ở trên thế giới bị lu mờ. Chính vì lý do này mà Mỹ ngày càng chú trọng và quan tâm tới hình ảnh của mình tại khu vực châu Á.

Hành động đưa một lượng quân khá lớn đóng tại hai nước đồng minh đã khẳng định lập trường tăng cường sức mạnh quân sự hiện diện tại châu Á của Mỹ. Thống kê cho thấy, hiện nay, Mỹ đang có hơn 75.000 quân đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lo ngại quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ ở châu Á và sự hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn trên nhiều lĩnh vực, ngày 14/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland đã hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại.

Bà Victoria Nuland cho biết, Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ chỉ mong muốn quan hệ Nhật-Hàn sẽ được cải thiện. Các quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng rằng, quan hệ giữa hai nước có thể bước sang một trang mới và ba nước Mỹ-Nhật-Hàn có thể hợp tác với nhau nhiều hơn.

Động thái trên càng khẳng định rõ, Mỹ không muốn mất đi sự ảnh hưởng ở khu vực châu Á chỉ vì sự mâu thuẫn giữa hai đồng minh của mình./.