Theo nguồn tin từ Hội Chữ thập Đỏ Palestine, hơn 100 người Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ này, trong đó khoảng 20 người đã phải nhập viện. Trong khi đó, phía Israel thông báo 20 cảnh sát nước này đã bị thương. Lực lượng cảnh sát nước này cho biết đã bắt giữ gần 50 người biểu tình.

Theo báo Haaretz, nguyên nhân xuất phát từ việc người biểu tình Palestine cố tiến vào khu vực quảng trường Zion ở trung tâm thành phố Jérusalem nhưng gặp phải sự ngăn cản từ phía cảnh sát Israel. Trong tuần qua cũng diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel sau khi Israel dựng hàng rào ngăn người dân ngồi trong quảng trường Zion, một khu vực công cộng trong tháng ăn chay Ramadan.

Các cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel diễn ra trong bối cảnh Palestine đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên trong 15 năm qua (dự kiến vào cuối tháng 5 tới) và làm gia tăng các lo ngại từ cộng đồng quốc tế. Mới đây, hôm qua (22/4), Liên Hợp Quốc và 5 nước thành viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an (gồm 3 thành viên khóa mới là Pháp, Estonia, Ireland và 2 thành viên khóa cũ là Đức và Bỉ) đã yêu cầu Israel cho phép Palestine tổ chức bầu cử tại Đông Jérusalem.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric nêu rõ, "người Palestine ở mọi khu vực lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đều có thể tham gia vào tiến trình dân chủ rất quan trọng này". Tuyên bố của 5 quốc gia châu Âu cũng đưa: "Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ những cuộc bầu cử tự do, công bằng và phổ thông trên toàn khu vực lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jérusalem, và hoan nghênh cam kết mang tính xây dựng của các phe phái của Palestine".

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh cuộc bầu cử sẽ khó có thể diễn ra nếu 6.300 người Palestine đang sinh sống tại Đông Jérusalem không được tham gia bầu cử. Hồi đầu tuần này, Ủy ban bầu cử Palestine đã đưa ra phương án dự phòng, cho phép đa số người dân Palestine tại Đông Jérusalem có thể đi đến các điểm bỏ phiếu đặt ở ngoại ô Jérusalem và nằm hướng về phía Bờ Tây (Cisjordanie) đang do Palestine kiểm soát.

Trong các cuộc thăm dò mới nhất, Phong trào Fatah của đương kim Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang tỏ ra yếu thế trước Phong trào hồi giáo Hamas, hiện là tổ chức vũ trang lớn nhất Palestine. Thời gian gần đây, Israel và Phong trào Hamas liên tục có các vụ tấn công, trả đũa lẫn nhau và Israel luôn coi Phong trào Hamas là kẻ thù số 1 của nước này./.