Việc Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2015 là tội ác diệt chủng đã “thổi bùng” căng thẳng quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối quan hệ căng thẳng này thậm chí được dự báo có thể ảnh hưởng đến cả thỏa thuận người nhập cư giữa Liên minh Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ khi ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ tại Đức về nước.
Phát biểu trong chuyến thăm Kenya, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng “quyết định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Đức–Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Erdogan khẳng định việc triệu hồi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức về nước mới chỉ là “bước đi đầu tiên” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét thực hiện những biện pháp đáp trả khác. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi Nghị quyết của Đức là “một sai lầm lịch sử”.
“Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ chấp nhận sự buộc tội này. Nghị quyết này của Hạ viện Đức là vô hiệu. Chúng tôi đã triệu hồi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức để tham vấn.
Chúng tôi sẽ thảo luận trước quốc hội về Nghị quyết này cũng như định hình lại mối quan hệ với Đức trong thời gian tới. Chi tiết các kế hoạch sẽ công bố trong những ngày tới đây. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì được cho là cần thiết”, ông Erdogan nói.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên lạc với Đại sứ Đức tại thủ đô Ankara để phản đối quyết định của Berlin.
Rất nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tức giận trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Đức. Ngày 3/6, hàng trăm người Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường tuần hành bên ngoài Lãnh sự quán Đức tại thành phố Istanbun để bày tỏ sự phản đối Nghị quyết này.
Chị Rabia Gun, một người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, không nên chính trị hóa vấn đề của lịch sử: “Vấn đề này cần được thảo luận giữa các nhà sử học. Đây không phải là một vấn đề của các chính trị gia. Đây là công việc của các nhà sử học. Chúng tôi tin rằng, các tài liệu lưu trữ của cả hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đều đã được công khai và thế giới cũng như Quốc hội Đức biết điều đó”.
Về phần mình, mặc dù không có mặt khi việc bỏ phiếu diễn ra, nhưng ngay sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu rằng quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ phải càng trở nên khăng khít hơn. Bà Merkel cho biết chính phủ Đức hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia sẽ hợp tác chặt chẽ để xây dựng quan hệ ngoại giao lâu dài.
Cho tới nay, phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi vụ tàn sát 1,5 triệu người Armenia trong lịch sử chỉ là sự việc bình thường xảy ra trong chiến tranh. Trong khi đó, cho đến nay, đã có Quốc hội và Chính phủ của 25 quốc gia trên thế giới bác bỏ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và coi vụ việc này là diệt chủng, trong đó có cả Quốc hội Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.
Mặc dù nghị quyết của Hạ viện Đức chỉ là chuyện riêng của nước Đức, nhưng các nhà quan sát nhận định sẽ có tác động mạnh mẽ cùng nhiều hệ lụy khó lường hết tới chuyện chung khác của cả Liên minh châu Âu. Chuyện chung ấy là vấn đề người tị nạn đối với Liên minh châu Âu.
Trong tình cảnh bị cuộc khủng hoảng này xô đẩy đến tận chân tường, Liên minh châu Âu không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải lụy Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại, Liên minh châu Âu đã bị phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ tới mức giải pháp cho vấn đề tị nạn có thành công hay không là do Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải do Liên minh châu Âu quyết định.
Thủ tướng Đức Merkel là tác giả chính của ý tưởng giải pháp này. Vì thế, câu chuyện lịch sử giữa người Thổ Nhĩ Kỳ với người Armenia khi xưa trở thành vấn đề rất nhạy cảm đối với nước Đức. Và lúc đó, khi quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy lên căng thẳng thì rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm những yêu sách mới đòi Liên minh châu Âu phải nhượng bộ trong vấn đề tị nạn./.