Như vậy, đây là công dân thứ 3 của Canada bị Trung Quốc bắt giữ kể từ sau khi nước này bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei vào đầu tháng 12 theo yêu cầu của phía Mỹ.

thu_tuong_trudeau_jisb.jpg
Thủ tướng Canada Trudeau. Ảnh: Toronto Star.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, công dân Canada thứ ba bị bắt tại Trung Quốc là Sarah McIver đang dạy tiếng Anh tại Trung Quốc. Thủ tướng Trudeau kêu gọi chính phủ cẩn trọng và không vội vàng phản ứng sau khi Trung Quốc bắt giữ công dân thứ ba của nước này:

“Chúng tôi sẽ tiếp nhận mọi tình huống một cách cẩn thận và nghiêm túc. Người Canada hiểu rằng mặc dù tuyên bố chính trị có thể thỏa đáng trong thời gian ngắn để cho thấy như bạn đang phản ứng và làm điều gì đó đáng kể, nhưng nó có thể không trực tiếp tạo ra kết quả mà chúng ta muốn, đó là đưa những người Canada trở về nhà an toàn."

Ông Trudeau cho biết, ông đang yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về các vụ giam giữ. Thủ tướng Trudeau cũng nói rằng, đây là một vụ án riêng biệt so với tuần trước khi cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị bắt giữ.

Trong cuộc họp báo hôm nay (20/12), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng đã xác nhận thông tin Trung Quốc đang bắt giữ công dân thứ 3 của Canada là bà Sarah McIver. Tuy nhiên theo người phát ngôn Hoa Xuân Doanh, tính chất vụ bắt giữ bà Iver khác so với vụ bắt giữ hai công dân Canada trước đó. Bà Sarah McIver bị xử phạt hành chính do hành nghề trái phép tại Trung Quốc. Trung Quốc đang tạo điều kiện để phía Canada tiến hành công tác lãnh sự đối với bà Sarah McIver. 

Mặc dù các bên không khẳng định vụ bắt giữ người mới nhất của phía Trung Quốc có liên quan với vụ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt, nhưng giới quan sát cho rằng đây có thể là cách Trung Quốc trả đũa. Theo ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, ở thời điểm hiện nay khó có thể tách rời bất cứ vụ bắt giữ công dân Canada nào tại Trung Quốc với việc quan chức Huawei bị bắt giữ.

Các vụ bắt giữ trên xảy ra sau khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” khi tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver  ngày 7/12, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu đô la Canada (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác. Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Vụ việc liên quan đến giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei được giới quan sát dự báo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Như vậy, mặc dù Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, nói cách khác đây là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc thế nhưng phản ứng của cả Trung Quốc và Mỹ đang đẩy Canada vào thế khó. Trung Quốc liên tục gây sức ép và cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Canada không thả người. Trong khi đó, thay vì ra mặt can thiệp để bảo vệ đồng minh truyền thống, Mỹ không mấy mặn mà để “giải cứu”, khiến Canada càng trở nên đơn độc trong cuộc khủng hoảng. Điều này cũng cho thấy sự bị động và thiếu quyết liệt của chính quyền Thủ tướng Trudeau, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận Canada hiện không có nhiều lựa chọn để phản ứng./.