Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận lâu nay của Mỹ ở khu vực chiến lược, tiếp giáp châu Âu và châu Á. Vì thế, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayíp Recep Tayyip Erdogan đang diễn ra sẽ không có gì đáng bàn luận nếu không vì tình trạng “ông nói không, bà nói có” trong vấn đề can thiệp vào Syria, dù nước luôn thể hiện sự nhất trí cao nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad

tnk-1.jpg
Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (Ảnh: AP)

Sau cuộc hội đàm diễn ra ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thể hiện sự nhất trí cao trong vấn đề Syria. Hai nhà lãnh đạo kiên quyết yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức để mở đường cho quá trình chuyển giao chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Hai bên cũng nhất trí trong hàng loạt vấn đề về viện trợ nhân đạo và ngăn chặn vũ khí hóa học ở Syria.

Là một nước làng giềng với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận rõ hơn Mỹ về “sức nóng” sát sườn của một một Syria chia rẽ và suy yếu. Thủ tướng Erdogan cho rằng, tình hình Syria là một trong những vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết để đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông. Ông cảnh báo, bất ổn ở Syria có thể gây ra những tác động xấu cho toàn khu vực nếu Mỹ không tăng cường vai trò trong việc giải quyết tình hình hiện nay. Điều này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã rất “nóng lòng” can thiệp để giải quyết bất ổn ở nước láng giềng.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ OBama vẫn giữ thái độ thận trọng trong vấn đề này. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy một Syria tự do vì lợi ích lâu dài của cả 2 nước, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không có một công thức thần kỳ nào để giải quyết bạo lực và những khó khăn ở Syria. Nước Mỹ đang có rất nhiều sự lựa chọn nhưng chúng tôi vẫn theo đuổi cách tiếp cận cả về ngoại giao và quân sự. Bởi vì việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của chúng ta cũng như các nước đồng minh và láng giềng”.

Rõ ràng, dưới vẻ ngoài hoàn toàn đồng tâm nhất trí về vấn đề Syria, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những khác biệt trong việc lựa chọn cách thức giải quyết vấn đề này.

Chuyên gia Soner Cagaptay, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách khu vực Cận Đông ở Washington nhận định: “Rõ ràng Nhà Trắng không mấy ủng hộ việc gửi binh sĩ hay đưa quân đến tham chiến ở Syria. Thế nên, hai nhà lãnh đạo sẽ bất đồng về vấn đề phải làm gì mặc dầu cả hai đều đồng ý rằng chế độ Assad phải ra đi. Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ muốn điều đó xảy ra sớm hơn so với chuyện Mỹ cam kết sẵn sàng làm điều đó”.

Dư luận tại Mỹ cũng cho rằng, Tổng thống Obama sẽ không tiếp tục mạo hiểm uy tín của ông thêm một lần nữa sau khi quyết định đóng góp binh sỹ cho chiến dịch của NATO ở Lybia mà không có sự thông qua ở Quốc hội. Bởi ông Obama biết chắc chắn rằng một đề xuất tham chiến tương tự sẽ bị Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số chặn đứng.

Rõ ràng quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính quyền Obama không thể phớt lờ lời kêu gọi gây sức ép với Syria của Thủ tướng Erdogan, nhưng thực tế, ông Obama sẽ tiếp tục trì hoãn một hành động mạnh tay hơn để bảo toàn vị thế trên chính trường trong nước./.