Nhiều nước trong khu vực đang lên tiếng phản đối bất kỳ hành động “can thiệp quân sự” hay “sử dụng vũ lực” đối với Venezuela sau khi Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro tuyên bố không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự vào Venezuela. Các nước đều cho rằng, cần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này.

nicolas_maduro_rchj.jpg
Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro. Ảnh: Getty.

11 trong tổng số 14 nước thành viên của nhóm Lima đã bày tỏ quan ngại và bác bỏ bất kỳ hành động hay tuyên bố nhằm can thiệp quân sự, đe dọa sử dụng vũ lực vào Venezuela.

Tổng thống Bolivia Evo Morales lên án lời kêu gọi can thiệp quân sự vào Venezuela của Tổng thư ký OAS. Ông Morales bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với chính phủ và nhân dân Venezuela, đồng thời cho rằng việc can thiệp vào chủ quyền của Venezuela cũng đồng nghĩa với một hành động tấn công nhằm vào khu vực Mỹ Latin.

Thực tế triển vọng kết thúc cuộc khủng hoảng của Venezuela bằng cách lật đổ chế độ của Tổng thống Maduro từ lâu đã bị các quốc gia Mỹ Latin phản đối. Việc thực hiện một chiến dịch quân sự tại Venezuela  sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Trước hết đó là kháng cự quyết liệt của quân đội Venezuela và nhiều người dân trung thành với Tổng thống Maduro, sẽ khiến cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt hơn, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực. Bất ổn tại Venezuela cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy hoặc thị trường đen khác sinh sôi, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Chính vì vậy, các quốc gia đều tái khẳng định cam kết khôi phục nền dân chủ Venezuela bằng biện pháp hòa bình và đối thoại nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro có các bước đi tích cực.

Tổng thống Brazil Michel Termer nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả các nỗ lực trên khắp các diễn đàn quốc tế để thay đổi tình hình hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để thông qua các biện pháp ngoại giao giúp giải quyết vấn đề này. Đây là vấn đề chính trị của một quốc gia nhưng đang có nguy cơ ảnh hưởng đến biên giới của các nước, đe dọa sự thịnh vượng của toàn bộ châu lục”.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 2,3 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế để phát triển đất nước.

Trong một thông báo tích cực đưa ra sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Maduro hôm qua (15/9) cho biết đã đạt được cam kết hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc nhằm giúp nước này tăng sản lượng dầu khí và vàng, cũng như đầu tư vào hơn 500 dự án phát triển của quốc gia Nam Mỹ này. Kế hoạch phục hồi kinh tế của Venezuela cũng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cấp cao và nhiều tổ chức ngân hàng quốc gia châu Á./.