Ngày 27/6 là ngày đầu tiên Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia mở phiên tòa xét xử 4 cựu lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ, về vai trò của những nhân vật này trong các cuộc thảm sát, và diệt chủng thời kỳ Khmer đỏ nắm quyền, giết hại khoảng một phần tư dân số Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.

Các nhân vật bị xét xử trong “Hồ sơ số 2” bao gồm: Nuon Chea, từng là nhân vật số hai trong chế độ Khmer Đỏ sau Pol Pot; Ieng Sary làm Bộ trưởng Ngoại giao; Ieng Thirith (vợ của Ieng Sary) làm Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội; còn Khieu Samphan làm Chủ tịch nước. Cả 4 nhân vật này đều phải đối mặt với một loạt các cáo buộc bao gồm diệt chủng, tội ác chống nhân loại, vi phạm Luật hình sự Campuchia năm 1956, vi phạm Công ước Geneva năm 1949, giết người, tra tấn và khủng bố tôn giáo…

Phát biểu với báo chí trước khi phiên tòa bắt đầu, người phát ngôn Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ, ông Đưm-xô Văn-na-rum nói: “Như vậy, điều mong đợi của các nạn nhân đã được thực thi. Dù phải chờ đợi lâu thì điều đó cũng đã tới. Đây là phiên tòa lịch sử, vì những gì là chân lý sẽ được làm sáng tỏ. Những lãnh đạo cao cấp của chế độ Campuchia dân chủ đã bị đưa ra vành móng ngựa của tòa án’’.

111khmerdo1.jpg

Các bị cáo lần lượt từ trái sang gồm: Nuon Chea, Ieng Sary, Khieu Samphan và Ieng Thirith

Phiên toà là lần đầu tiên gồm cả 4 cựu lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ cùng xuất hiện trước công chúng tại một tòa án xét xử tội ác diệt chủng, trong phiên lắng nghe đầu tiên của đợt xét xử ban đầu kéo dài 4 ngày. Phiên tòa thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo dư luận các tầng lớp nhân dân Campuchia và cộng đồng quốc tế, như một mốc quan trọng trong hành trình khép lại những chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước. Trong gần 500 người ngồi chật kín trên các hàng ghế của phòng xử án, có rất nhiều người là nạn nhân sống sót, hoặc có người thân bị giết hại dã man dưới chế độ tàn bạo của Khmer đỏ.

Ông Xeng Chốc có mặt tại phiên tòa sáng 27/6/2011
Ông Xêng-chốc, huyện Kia Reng, tỉnh Pray Veng, nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ và là một trong những nhân chứng có tại phiên tòa, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại những ngày tháng kinh hoàng cách đây hơn 30 năm.

“Gia đình tôi bị ly tán. Bố mẹ tôi bị chúng đưa về tỉnh Pursat và qua đời tại đấy. Hai đứa cháu trai của tôi cũng bị chết đói. Anh trai tôi thấy bố mẹ hấp hối bèn trèo lên lấy nước thốt nốt cho bố mẹ uống. Bọn lính Khmer Đỏ nhìn thấy đã lấy gậy đánh anh tôi vỡ đầu. Năm 1979, bộ đội Việt Nam giúp giải phóng nhân dân chúng tôi thoát khỏi họ diệt chủng. Chúng tôi luôn ghi nhớ và không bao giờ quên công ơn đó. Tôi hy vọng, tòa án sẽ mang lại công lý cho hàng triệu nạn nhân đã bị giết hại dưới chế độ diệt chủng’’.

8 người trong gia đình bà Xốc Kha đã bị Khmer Đỏ giết hại
Hoàn cảnh của bà Tâng-Xốc-Kha, 65 tuổi, cũng có bi kịch không kém khi cả gia đình bà bị lùa ra khỏi thủ đô Phnom Penh. Cả gia đình bà  có11 người đến khi quay trở về chỉ còn 3 người sống sót.

Bà Tâng-Xốc-Kha nói: “Tôi nghe Tòa án gọi đây là tội ác diệt chủng, chống nhân loại, tội ác chiến tranh, vi phạm điều luật này, điều luật kia…Tôi thấy tất cả những từ đó đều đúng. Tôi đến tòa án lần này với mong mỏi công lý sẽ được làm sáng tỏ. Oan hồn các nạn nhân sẽ được thanh thản. Tôi là người còn sống và phải đến phiên tòa tìm kiếm công lý này’’.

Trong phiên xét xử đầu tiên kéo dài 4 ngày, Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ xem xét thông qua danh sách nhân chứng và các chuyên gia; lắng nghe những lập luận phản biện đầu tiên của đại diện các bên, chủ yếu là xoay quanh cơ sở pháp lý, quy trình và thủ tụng tố tụng, xét xử./.