Bế tắc chính trị tại Campuchia sau bầu cử Quốc hội chưa có dấu hiệu sẽ sớm được giải quyết, sau khi cuộc gặp giữa Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập chiều 20/8, đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào.

Sau cuộc gặp kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại trụ sở Quốc hội Campuchia chiều qua, 2 đảng giành được ghế trong bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 năm ngày 28/7 vừa qua đã ra Tuyên bố chung xác nhận: nhóm công tác của 2 đảng đã gặp nhau thảo luận để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến kết quả bầu cử.

cpc1.jpg
Người dân Campuchia giương biểu ngữ "Nhân dân Campuchia mong muốn hòa bình" (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc gặp, nhóm công tác 2 đảng đã trao đổi, tìm hiểu về mong muốn và ý định của mỗi bên để tìm kiếm sự thống nhất. Cả 2 nhóm công tác sẽ làm báo cáo trình lãnh đạo đảng mình để xem xét khả năng tiếp tục gặp gỡ trao đổi. 

Việc cuộc gặp thứ ba của hai đảng từ sau bầu cử đến nay không đạt được kết quả nào là điều nằm trong dự đoán của giới phân tích, trong bối cảnh lập trường của hai bên còn quá xa nhau. Trong khi Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tuyên bố đã thắng cử với 68 trong tổng số 123 ghế Quốc hội, thì Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập cũng tuyên bố họ đã giành được 63 ghế.

Kết quả sơ bộ chính thức do Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia công bố ngày 12/8 cũng khẳng định, Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng khi vượt trên đối thủ chính là Đảng Cứu quốc Campuchia tại 19 trên 24 tỉnh, thành.

Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập kiên quyết không công nhận kết quả bầu cử sơ bộ, đồng thời cáo buộc Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã cấu kết với Ủy ban Bầu cử Quốc gia để làm sai lệch kết quả bầu cử. Phe đối lập còn đưa ra yêu sách đòi tiến hành kiểm tra kết quả bầu cử dưới sự chủ trì của bên ngoài.

Cũng trong ngày 20/8, sau phiên họp đầu tiên để xem xét các khiếu kiện về bầu cử, Hội đồng Hiến pháp Campuchia đã ra tuyên bố ủng hộ việc Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia bác bỏ 17 đơn khiếu nại của phe đối lập về bầu cử vì không đủ bằng chứng về các vấn đề bất thường hoặc gian lận trong quá trình bỏ và kiểm phiếu.

Hội đồng Hiến pháp Campuchia là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc xác nhận tính hợp pháp của kết quả bầu cử, dự kiến sẽ được công bố chính thức vào ngày 10/9 sắp tới.

Những yêu sách và đe dọa tẩy chay kết quả, phát động biểu tình của phe đối lập đang đặt ra nguy cơ khiến bế tắc chính trị tại Campuchia sẽ kéo dài hơn so với hạn chót 60 ngày sau bầu cử phải ra mắt Quốc hội mới và thông qua Chính phủ lãnh đạo đất nước đến năm 2018./.