Theo tạp chí Time, các vụ đánh bom này chủ yếu đánh vào các thị trấn có đông khách du lịch nước ngoài.
Hiện trường một vụ đánh bom tại Thái Lan. Ảnh AP
Vụ đầu tiên xảy ra nữa đêm 11/8 khi hai quả bom được giấu trong các chậu hoa phát nổ trên một con đường đông đúc người qua lại tại Hua Hin, một thành phố nghỉ dưỡng cách thủ đô Bangkok gần 200km về phía Nam khiến 1 người phụ nữ thiệt mạng và 20 người khác bị thương.
Các vụ nổ khác sau đó cũng xảy ra trên bãi biển Patong, trung tâm giải trí về đêm trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Phukhet và tại các thị trấn Trang và Surat Thani.
Những vụ nổ này diễn ra trùng với thời điểm Thái Lan tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Hoàng hậu Sirikit, tức là 1 tuần sau thời điểm nước này tổ chức trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới.
Giới phân tích cho rằng, bản Hiến pháp mới này chỉ càng cùng cố thêm quyền lực của Chính phủ quân sự đang nắm quyền tại Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.
Thái Lan không hề xa lạ gì với các vụ tấn công khủng bố và đánh bom. Khu vực miền Nam nước này là nơi phát tích của các phong trào Hồi giáo ly khai với nhiều vụ tấn công khủng bố khiến gần 5.000 người thiệt mạng kể từ năm 2004.
Dù phong trào này chủ yếu hoạt động ở miền Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, các thủ lĩnh của phong trào này cảm thấy bất mãn về tiến trình đàm phán với Chính phủ quân sự của Thái Lan và đã quyết định mở rộng tầm hoạt động của mình.
Tuy nhiên, ông Zachary Abuza, một chuyên gia về chính trị và an ninh Đông Nam Á tại Mỹ nhận định, các vụ nổ bom nói trên không hề có “dấu ấn” của lực lượng phiến quân.
“Cảm giác ban đầu của tôi là đây không phải một vụ tấn công do lực lượng phiến quân ở miền Nam tiến hành. Không hẳn là họ không thể làm vậy nhưng đã từ rất lâu rồi họ không còn thực hiện các vụ tấn công cùng lúc nhiều địa điểm trên cả nước nữa và họ cũng chưa bao giờ thực hiện các vụ tấn công như vậy bên ngoài miền Nam Thái Lan”, ông Abuza nói.
Cũng theo ông Abuza: “Các địa điểm đánh bom đều là các địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan. Những kẻ thực hiện các vụ đánh bom đang muốn kinh tế Thái Lan phải chịu nhiều tổn hại. Đó chính là gót Achilles của Chính phủ quân sự cầm quyền tại Thái Lan”.
Trước đó, cảnh sát Thái Lan cũng tuyên bố, những vụ nổ nói trên không có liên hệ gì với các tổ chức khủng bố hồi giáo. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh: “Các vụ đánh bom này chỉ nhằm gây ra tình trạng hỗn loạn trên khắp đất nước. Chúng ta không nên để mọi người hoảng loạn thêm nữa”.
Tình hình chính trị Thái Lan vốn không mấy yên ổn khi đã phải chứng kiến rất nhiều cuộc đảo chính kể từ năm 1932-nay. Tuy nhiên, các chuyên gi cho rằng, tình trạng chia rẽ trong chính giới Thái Lan hiện nay là rất đang lo ngại.
Chỉ trong 2 năm kể từ khi Chính phủ quân sự do tướng Prayuth lên nắm quyền, nền kinh tế Thái Lan đã suy yếu nghiêm trọng. Việc nhiều nhân vật quan trọng trong Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan đã bị xét xử tại tòa án binh đã gây bất bình trong dân chúng.
Cuộc trưng cầu ý dân vừa qua càng khiến tinh thần phản đối Chính phủ quân sự tại Thái Lan dâng cao nhất là trong bối cảnh bản Hiến pháp mới cho phép một Thủ tướng không qua bầu cử- như ông Prayuth hiện nay- có thể tiếp tục nắm quyền và cho phép quân đội được trực tiếp chỉ định 250 nghị sĩ tại Thượng viện nước này.
Dù có tới 60% người dân Thái Lan ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới, tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân quá thấp (chỉ 58%) đã đặt ra một dấu hỏi lớn về tính công bằng cuộc cuộc trưng cầu ý dân này.
“Không khí hậu trưng cầu ý dân là khá căng thẳng”, ông Paul Chambers, giảng viên tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Chiang Mai chia sẻ: “Người dân đã quá mệt mỏi với Chính phủ quân sự hiện nay và giờ họ lại nhận ra rằng họ phải chấp nhận việc giới quân sự tiếp tục “phủ bóng” lên chính trường Thái Lan”./.