Theo đó, ngoài việc cả 4 ứng cử viên đều cam kết tăng gấp đôi ngân sách dành cho trẻ em thì 3 ứng cử viên là ông Kishida Fumio - cựu Ngoại trưởng, ông Kono Taro - Bộ trưởng phụ trách Tiêm chủng và bà Noda Seiko - quyền Tổng thư ký điều hành Đảng LDP đều nhất trí về sự cần thiết phải thành lập một cơ quan thúc đẩy các chính sách mũi nhọn liên quan đến trẻ em.

Ông Kono Taro đưa ra cam kết: “Khi chính quyền của tôi được thành lập và một cơ quan thúc đẩy các chính sách cho trẻ em ra đời thì mục tiêu đầu tiên sẽ là không có trẻ em tự tử và chết vì lạm dụng, cũng như không có trẻ em nghèo. Chúng tôi sẽ kiên quyết chú trọng điều này và hiện thực hóa nó”.

Về phần mình, ông Kishida Fumio cho biết ông sẽ xem xét bổ nhiệm một bộ trưởng dành riêng cho cơ quan trẻ em. Bà Noda Seiko thì hướng tới việc đệ trình các dự luật thành lập cơ quan này trong phiên họp thường kỳ vào năm tới.

Khác với 3 ứng viên trên thì cựu Bộ trưởng Truyền thông Takaichi Sanae, người đã tham gia phiên họp bằng hình thức trực tuyến, cho biết sẽ “xem xét thành lập một tổ chức để thúc đẩy hiệu quả các chính sách dành cho trẻ em” mà không đề cập đến việc thành lập một cơ quan chuyên trách.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide - người đã tuyên bố không tham gia cuộc đua Chủ tịch Đảng cầm quyền, từng đưa ra kế hoạch thành lập cơ quan dành cho trẻ em để điều phối các chính sách về các dịch vụ y tế và giáo dục. Chính phủ đã thành lập một hội đồng để xem xét việc thành lập và đang hướng tới việc soạn thảo một kế hoạch cơ bản cho cơ quan này vào cuối năm nay.

Nhật Bản bị xếp hạng thấp trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về chi tiêu công cho giáo dục trẻ em, đồng thời tỷ lệ trẻ em ở mức nghèo vẫn cao hơn mức trung bình của các thành viên OECD./.